Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, hỗ trợ người tị nạn hòa nhập sâu rộng vào xã hội sở tại chính là cách để giúp họ có thể đóng góp cho xã hội.
Nhân kỷ niệm ngày Tị nạn Thế giới (20/6), Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, Ủy ban về người tị nạn Liên Hợp Quốc và mạng xã hội Twitter mới đây đã cùng nhau thiết kế một biểu tượng có hình trái tim màu xanh được đặt ở giữa hai bàn tay, nhằm biểu thị ý tưởng về sự bảo vệ và đoàn kết đối với người tỵ nạn.
Việc thiết kế biểu tượng được giao cho nữ nghệ sĩ người Canada gốc Afghanistan – Hangama Amiri – hiện thân của những người tị nạn được hòa nhập thực sự vào xã hội sở tại. Theo lời kể của nghệ sĩ người Canada gốc Afghanistan, khi còn sống ở Tajikistan, cô đã nhận được học bổng sau khi đoạt giải một cuộc thi vẽ tranh cho Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn tổ chức. Thông qua vẽ tranh, cô Hangama Amiri đã cảm nhận được sự an toàn và xây dựng cảm xúc về mọi thứ xung quanh. Sau này khi chuyển tới Canada sinh sống, nhiều bức tranh do cô vẽ đã gây được tiếng vang và được triển lãm tại nhiều nước trên thế giới.
"Khi cầm một chiếc bút chì và một chiếc tẩy trong tay, tôi muốn vẽ ra những trải nghiệm của bản thân. Tôi đã trải qua những cảm giác đó và điều đó mang lại cho tôi sự tự do."
Các nhà tổ chức thiết kế biểu tượng cho biết, việc giao thiết kế cho cô Hangama Amiri chính là nhằm để lan tỏa câu chuyện về cuộc đời của người nghệ sĩ này tới thế giới, gây nguồn cảm hứng cho nhiều người, cũng như nâng cao nhận thức và thể hiện sự đoàn kết đối với cộng đồng người tị nạn trên khắp thế giới.
Nhấn mạnh về ý nghĩa của thông điệp Sức mạnh của hòa nhập và làm như thế nào để người tị nạn có thể đóng góp cho xã hội, phát biểu trước báo giới nhân kỷ niệm ngày này, người đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Filippo Grandi cho rằng: "Giúp người tị nạn hòa nhập là một khái niệm rộng, không chỉ bao hàm việc giúp họ tiếp cận với hệ thống giáo dục và y tế mà đòi hỏi phải giúp họ kết nối với cả cộng đồng trên nhiều phương diện. Chúng ta có thẻ định danh công dân, chúng ta có thể đăng nhập vào mạng internet, chúng ta có được thẻ ngân hàng. Nếu chúng ta không có những yếu tố này, mọi thứ sẽ trở lên khó khăn, đặc biệt là đối với người tị nạn. Họ sẽ không có hi vọng không có những công cụ để hòa nhập vào xã hội.”
Theo báo của của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, số lượng người di cư và tị nạn trên thế giới đã vượt ngưỡng 80 triệu người vào giữa năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã bước sang năm thứ 2. Hàng triệu người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa do hậu quả của các cuộc xung đột. Đại dịch Covid-19 và các cuộc xung đột đã gây nguy hiểm cho việc bảo vệ người tị nạn. Trước thực tế này, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn tiếp tục kêu gọi các thể chế tài chính quốc tế khi xây dựng các gói cứu trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng của đại dịch, cần lưu ý tới người tị nạn, để không ai bị bỏ lại phía sau./.