Tạm quên đi những món ăn sơn hào hải vị của vùng biển, tại sao chúng ta lại không lên rừng thưởng thức sự đặc biệt của món canh ngọn lụi của miền sơn cước?


 
Những bó ngọn lụi được bày bán ở chợ Mường Xén, huyện biên giới Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Tuệ Minh
 
Lụi là một loài cây có thân nhỏ và mỏng, cao 3,4m, tỏa nhánh từ gốc, tạo thành các lùm cây. Cây lụi thường mọc trong rừng, còn được người dân đưa về trồng làm cảnh. Nhìn thoáng qua cây lụi sẽ làm nhiều người nhầm tưởng là măng rừng.
 
Để tìm được ngọn lụi, người dân phải vào tận rừng để chặt. Cây lụi mọc thành từng khóm như tre, nhưng thân nhỏ và mỏng. Chỉ cần tìm thấy cây lụi, người ta sẽ chặt lấy phần ngọn, buộc thành từng bó nhỏ rồi đưa xuống chợ bán với giá dao động từ 10 – 20.000 đồng/bó.


 
Ảnh: Tuệ Minh


 
Ảnh: Tuệ Minh
 
Phần lõi của ngọn lụi chính là tinh túy để tạo nên món canh ngon của người Thái. Tuy nhiên, phải là “thợ” lành nghề mới có thể bóc tách lớp vỏ của lụi. Bề ngoài nhìn giống như tách vỏ măng nhưng không phải vậy, người ta phải dùng con dao nhỏ để tách phần vỏ cứng bọc bên ngoài, nếu không khéo léo, bạn sẽ bị đứt tay.
 
Ngọn lụi có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như mọc, nậm - nhoọc, cháo… nhưng món phổ biến nhất mà người Thái thường chế biến là món canh hầm xương. Chỉ cần dùng nước hầm xương, rồi cho nắm ngọn lụi vào đun kỹ cho tới lúc mềm, có thể thêm cả rau ngót rừng hay nắm lá lốt. Thế là bao nhiêu hương vị của núi rừng gom đủ trong bát canh.
 
Món canh ngọn lụi có lẫn vị đắng nhưng khi nuốt xuống họng sẽ đọng lại vị ngọt nhè nhẹ. Và dù bạn là người “khó tính” với món đắng thì tôi tin món canh lạ miệng này vẫn sẽ khiến bạn “xiêu lòng”.
 
Ngoài vị lạ miệng, tính thanh mát, bổ dưỡng, món canh ngọn lụi còn có công dụng cực hiệu quả cho các bà mẹ sau khi sinh. Ăn canh lụi sẽ tăng sữa cho các mẹ để cho con bú. Song, trong quá trình chế biến cần lưu ý không nên bỏ lá lốt, vì đặc tính có trong lá lốt sẽ làm cho các mẹ thêm khô sữa. Lúc này, thay vì nắm lá lốt thì chúng ta sẽ cho lá bù ngọt.

Là món ăn đặc sản Kỳ Sơn, Con Cuông… nhưng giờ đây ngọn lụi lại trở thành vật phẩm đắt khách và là “đối tượng” truy lùng của dân “sành ăn” vùng đồng bằng, thành phố.