Hành vi lập 57 hồ sơ giả mạo không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các cán bộ, công chức vi phạm mà còn gây ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của pháp luật.

Mới đây, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông đã thông tin về quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với 2 lãnh đạo và thẩm phán thuộc Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đắk Song. Lý do, lãnh đạo TAND huyện Đắk Song đã để cấp dưới lập khống 57 hồ sơ vụ án dân sự.

Lập vụ án dân sự “ảo” để xét xử là trái với quy định pháp luật

Là người có uy tín, từng có nhiều năm công tác trong cơ quan pháp luật, ông Lương Quang Tuấn - nguyên Kiểm sát viên vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự - xã hội thuộc VKSND Tối cao khẳng định, việc lãnh đạo và thẩm phán tòa Đăk Song tạo lập vụ án dân sự “ảo” để xét xử là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật, vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Lập khống 57 hồ sơ vụ án dân sự: Có dấu hiệu tội phạm
Trụ sở TAND huyện Đắk Song, nơi lập 57 bộ hồ sơ khống

Ông Tuấn phân tích, các vụ án dân sự và hành chính bao giờ cũng phải tiếp thu thủ tục tố tụng, tức là bên khởi kiện, bên bị kiện và các giấy tờ liên quan. Sau đó, đưa hồ sơ sang Viện Kiểm sát để xem xét, kiểm tra tuân theo quy định của pháp luật.

“Phải đầy đủ thủ tục, bị đơn, nguyên đơn, hoặc các tài liệu, các cơ quan tổ chức xã hội còn đang nắm giữ. Ví như, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phải xác minh xem đúng tên của họ, ai cấp, cấp năm nào, có hợp pháp không? Trên cơ sở đó chúng ta mới tiến hành xét xử. Nếu không có thủ tục đó thì đã vi phạm Bộ luật Tố tụng dân sự”.

Việc kỷ luật, theo ông Tuấn cũng phải xét xem, vì trình độ nhận thức hạn chế, hay ý thức chủ quan do bị mua chuộc về vật chất để được hưởng lợi như nhận tiền công, tiền lương, tiền phụ cấp hoặc các chế độ đãi ngộ khác của nhà nước... Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi để thi hành kỷ luật. Việc nhanh chóng kết luận bằng hình thức cảnh cáo, theo ông Tuấn là chưa công minh nhất là đối với cơ quan thi hành pháp luật.

“Nếu do non kém về mặt nghiệp vụ thì thôi không được bổ nhiệm làm Thẩm phán. Trình độ như thế thì không đảm nhiệm được. Nếu ông có tư túi cá nhân, hoặc tiêu cực thì phải căn cứ vào quy định của Đảng và Nhà nước để xem xét kỷ luật. Trong quá trình xem xét kỷ luật, nếu có dấu hiệu hình sự thì ta chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét”- ông Tuấn phân tích thêm.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Hãng luật TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cũng tỏ ra hết sức bất ngờ trước vụ việc này. Theo luật sư Hùng, để quyết định hình thức xử phạt công bằng, nghiêm minh, cần phải xem xét làm rõ động cơ, mục đích của việc lập khống 57 hồ sơ vụ án dân sự này là gì. Tuy nhiên, dựa trên số lượng hồ sơ giả mạo và tính chất vụ việc xuất phát từ chính những cán bộ, công chức đứng đầu trong Tòa án – cơ quan tư pháp của quốc gia, có thể thấy quyết định thi hành kỉ luật khiển trách của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông đối với với 2 lãnh đạo và thẩm phán thuộc TAND huyện Đắk Song là chưa thật sự thỏa đáng.

Vụ việc có dấu hiệu tội phạm

“Theo nguyên tắc và quy định của pháp luật, khi cán bộ, công chức vi phạm pháp luật ngoài việc bị xử lý kỷ luật đảng, còn có thể phải chịu xử lý kỷ luật về mặt chính quyền. Đồng thời, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm còn có thể bị xem xét xử phạt hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật. Vụ việc lập tới 57 hồ sơ vụ án dân sự giả mạo của cán bộ, công chức TAND huyện Đắk Song là vi phạm hết sức nghiêm trọng”- luật sư Hùng nói.

Lập khống 57 hồ sơ vụ án dân sự: Có dấu hiệu tội phạm
Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, việc tạo lập và thụ lý hồ sơ 57 vụ án không phải là điều dễ dàng bởi rất nhiều tài liệu, giấy tờ, quyết định... được ban hành và đều phải có chữ ký của các cơ quan, tổ chức. Nếu xác định 57 vụ án dân sự này đều là giả mạo thì các giấy tờ và chữ ký trong hồ sơ vụ án cũng đều là giả. Điều này có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật hình sự. Vì vậy, vụ việc nếu chỉ dừng lại ở việc vi phạm kỷ luật cán bộ để nhận hình thức xử lý kỷ luật khiển trách là chưa thỏa đáng mà phải tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh việc vi phạm pháp luật, luật sư Nguyễn Đức Hùng còn cho rằng, điều này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các cán bộ, công chức vi phạm mà còn gây ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của pháp luật.

“Cán bộ Tòa án – những người đại diện thực thi pháp luật và công lý trong xã hội lại chính là người thực hiện các hoạt động tố tụng sai pháp luật, xâm phạm hoạt động tư pháp làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành Tòa án, gây mất niềm tin của xã hội vào nền tư pháp của đất nước. Ngoài ra, việc gian dối, không trung thực trong thực hiện nghiệp vụ của những cá nhân có chức, có quyền còn có thể gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của tổ chức và cá nhân khác có liên quan”- luật sư Hùng nói.

Theo đó, đối với những cá nhân, tổ chức không có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước thì những người làm giả các giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức sẽ có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu quả của cơ quan tổ chức theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Đối với những người có chức vụ, quyền hạn mà làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tham ô tài sản theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Bên cạnh đó, trường hợp có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ban hành các quyết định, bản án, lập các hồ sơ... trái pháp luật mà gây thiệt hại cho Nhà nước từ 10.000.000 đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ngoài ra, hành vi ra bản án, quyết định không đúng trình tự, thủ tục của pháp luật, không có căn cứ thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội ra bản án trái pháp luật theo Điều 370 hoặc Tội ra quyết định trái pháp luật theo Điều 371 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Như vậy, vụ việc này mang tính chất nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự của nhiều tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. Do đó, theo quan điểm của luật sư, cần tiếp tục điều tra, mở rộng vụ việc, chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra để xem xét xử lý nghiêm với những cán bộ, cá nhân có liên quan trong vụ việc này, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật./.