Việc lắp đặt camera có bán kính quan sát từ 7km - 10km đã giúp lực lượng kiểm lâm Hà Tĩnh có “mắt thần” quan sát, phát hiện sớm nâng cao hiệu quả phòng chống cháy rừng.

h-1684743797.jpg
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc trực máy chủ xem hình ảnh giám sát phòng chống cháy rừng được camera truyền về. Ảnh: Trần Tuấn

“Mắt thần” giám sát rừng hiệu quả

Ngày 22.5, ông Phan Anh Tuấn - Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc - chia sẻ, năm 2021, ngành Kiểm lâm Hà Tĩnh triển khai lắp đặt 4 camera quan sát để phát hiện cháy rừng tại 4 huyện gồm Hương Sơn, Can Lộc, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh.

Tại huyện Can Lộc, camera được lắp đặt tại xã Vượng Lộc để giám sát rừng thuộc dãy núi Hồng Lĩnh nơi có chùa Hương Tích.

“Camera giám sát liên tục cả ngày lẫn đêm với ban kính quan sát được từ 7 đến 10km nên rất hiệu quả trong việc phát hiện sớm để kịp thời huy động lực lượng ứng cứu, dập lửa khi xảy ra cháy rừng” - ông Tuấn nói.

hhh-1684743824.jpg
Camera với bán kính quan sát từ 7km - 10km giúp phát hiện sớm nếu xảy ra cháy rừng. Ảnh: Trần Tuấn

Theo ông Tuấn, hình ảnh camera thu được sẽ được truyền về máy chủ đặt tại Hạt Kiểm lâm huyện có cán bộ túc trực 24h/24h, hoặc truyền về điện thoại Smatrphone của cán bộ, nhân viên kiểm lâm để theo dõi, kịp thời phát hiện nếu xảy ra cháy rừng.

“Năm 2023 này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang có kế hoạch lắp đặt thêm 6 camera để giám sát phòng chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh nữa. Hi vọng huyện Can Lộc được bố trí lắp đặt thêm 1 chiếc để công tác giám sát, phát hiện, phòng chống cháy rừng được tốt hơn.” - ông Tuấn chia sẻ.

Ông Phan Thanh Tùng - Trưởng Phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh - thông tin, Hà Tĩnh hiện có 359.785ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, đất có rừng 337.231ha (rừng tự nhiên 217.327ha; rừng trồng 119.904ha); đất chưa có rừng 22.553ha, tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 là 52,56%.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 130.000 ha rừng dễ cháy, chủ yếu với các loài cây trồng như thông, keo, bạch đàn và rừng tự nhiên nghèo kiệt hỗn giao tre nứa - gỗ; vật liệu cháy trong rừng (tiến vọt, ràng ràng, cỏ tranh, lau lách, giang, nứa,…) rất dày, rậm rạp… Khi thời tiết nắng nóng và khô hạn kéo dài thì những diện tích rừng này rất dễ bắt lửa và gây cháy rừng.

Đến nay cơ bản các địa phương, chủ rừng đã hoàn thành các nội dung về triển khai thực hiện phòng cháy rừng trên địa bàn.

Sẽ lắp thêm nhiều "mắt thần" giám sát

Về việc lắp đặt camera giám sát rừng, ông Phan Thanh Tùng - Trưởng Phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh khẳng định với tính năng xoay 360 độ, hỗ trợ giám sát liên tục 24/7 cả ngày và đêm với tầm quan sát khu vực rộng lớn bán kính 7km - 10km nên rất hiệu quả trong công tác phòng chống cháy rừng.

“Việc đưa hệ thống camera giám sát này vào sử dụng nó đã giảm bớt những khó khăn, vất vả cho các lực lượng trực tại các chòi canh lửa trong những ngày thời tiết khắt nghiệt đồng giảm được chi phí tuần tra. Đặc biệt là nâng cao hiệu quả phòng chống cháy rừng khi phát hiện sớm, kịp thời nếu xảy ra cháy rừng” - ông Tùng chia sẻ.

o-1684743858.jpg
Ông Phan Thanh Tùng - Trưởng Phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đang theo dõi rừng trên điện thoại di động được camera truyền hình ảnh về. Ảnh: Trần Tuấn

Năm 2021, ngành Kiểm lâm Hà Tĩnh lắp đặt 4 camera giám sát bảo vệ rừng được kết nối vào Trung tâm điều hành và giám sát thông minh tỉnh (IOC Hà Tĩnh), tạo điều kiện cho lãnh đạo tỉnh trong việc giám sát, chỉ đạo điều hành trong phòng chống thiên tai, chữa cháy rừng và cứu hộ cứu nạn.

“Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp các sở, ngành hoàn tất các thủ tục để lắp đặt thêm 6 cái camera trên địa bàn, đưa vào sử dụng trong năm 2023” - ông Tùng cho hay.

Cũng theo ông Tùng, chi phí lắp đặt 1 camera giám sát rừng khá cao, hơn 100 triệu đồng, bởi vậy muốn lắp đặt nhiều cũng phụ thuộc vào nguồn kinh phí được duyệt, trong khi nguồn kinh phí vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo Trần Tuấn - laodong.vn