Đam mê những con rối từ nhỏ, ông Hồ Văn Thân (60 tuổi, ở phường Quỳnh Thiện, TX. Hoàng Mai, Nghệ An) đã "biến" những món đồ mua từ các cửa hàng phế liệu thành những con rối điện độc đáo.
Đam mê nghệ thuật dân gian
Về phường Quỳnh Xuân, TX. Hoàng Mai (Nghệ An), khách hỏi "nghệ nhân làng" Hồ Văn Thân thì không ai không biết. Khắp làng trên xóm dưới, ông Thân đã nức tiếng với màn múa rối điện lạ lẫm nhưng rất độc đáo.
Cơ duyên ông Thân đến với những con rối là những lần xem biểu diễn trong dịp hội làng. Ông xem đến mê mẩn và cứ thắc mắc tại sao những khúc gỗ, sợi dây… lại có thể có những hoạt cảnh tài tình đến vậy. Những con rối còn biết cười, khóc, đứng, ngồi phụ họa cho những khúc nhạc, rất hút hồn.
Ông Thân bắt đầu chơi và thích thú với những con rối từ năm lên 15 tuổi. Niềm đam mê ấy lớn dần cùng với các ngón nghề điều khiển con rối, ông đã được nhận vào đoàn múa rối nước Đồng Quê của địa phương trong niềm vui sướng khôn tả.
Do cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật khác, lại thêm các thành viên ngày càng lớn tuổi nên đoàn rối tan rã dần. Chẳng con ai chơi rối nữa. Mỗi người một sinh kế khác nhau, riêng ông Thân vẫn đau đáu với nghề rối.
Chính ông cũng chẳng thể cắt nghĩa được vì sao đam mê đến thế, chỉ biết rằng nhìn những con rối được vẽ cầu kì, ông lại thấy như chúng có một số phận riêng, thần thái riêng.
Dàn rối với điệu nhạc hát Then trông rất độc đáo.
Những chú Tễu hài hước nhanh nhảu, cô gái Thái yêu kiều xòe ô, chàng trai Mông thổi khèn ngày hội… chập chờn trong những hoạt cảnh khiến ông luôn trăn trở.
"Năm 2000, tôi quyết định chế tạo dàn rối tự động chạy bằng điện để tất cả các nhân vật biểu diễn cùng lúc theo một hoạt cảnh dựng sẵn cho con cháu xem", ông Thân nói.
Để thực hiện ý tưởng của mình, ông Thân tìm mua mô tơ điện cũ, gỗ và các vật dụng từ cửa hàng đồng nát về làm khung, các nhạc cụ rồi tạo hình các nhân vật. Để các nhân vật trên cùng một dàn rối hoạt động đúng điệu bộ theo nhạc, ông phải sử dụng một mô tơ chính cùng rất nhiều mô tơ phụ và các trục chuyển động bánh răng điều tiết độ nhanh, chậm cho từng nhân vật. Đây cũng là khâu khó và mất nhiều thời gian nhất.
Bức tranh đồng quê được ông Thân tái hiện rất thành công.
Tìm lối đi riêng cho riêng mình
Quyết tâm là thế nhưng để điều khiển cả dàn rối hơn 10 con là điều bất khả thi. Sau hơn 1 tháng mày mò chế tạo, 1 dàn rối điện đầu tiên hơn 10 nhân vật tự động nhảy múa theo điệu nhạc mà không cần người điều khiển của ông Thân được xuất xưởng trước sự thán phục của bà con làng trên xóm dưới.
Thấy người dân thích thú, kéo nhau đến nhà xem dàn rối điện của mình biểu diễn ngày một đông, ông Thân có thêm động lực để chế tạo các dàn rối khác, thỏa mãn niềm đam mê.
"Cái khó nhất trong thiết kế dàn rối điên là làm sao để cho mỗi nhân vật hoạt động theo một yêu cầu khác nhau, phù hợp nhạc điệu, tiết tấu… Mỗi con rối có yêu cầu biểu cảm, động tác khác nhau. Ở nhạc điệu này là giơ tay nhưng nhạc điệu khác là gõ trống hoặc lúc nào nhạc dừng thì dừng lại", ông Thân lý giải.
Mỗi con rối là một đứa con tinh thần luôn được ông Thân nâng niu
Đến nay, lão nông này đã chế tạo được 15 dàn rối điện với các điệu nhạc từ độc tấu đàn bầu, nhảy sạp, nhạc Tây nguyên, nhạc then, múa nụ xòe, bộ gõ... cho đến những dàn nhạc trẻ, nhạc đám cưới để phục vụ cho khán giả ở các lứa tuổi khác nhau.
Không chỉ được khen ngợi, từ hơn 4 năm qua, những dàn rối điện của ông Thân cũng nhận được rất nhiều lời mời đi biểu diễn lễ hội, đám cưới ở khắp nơi.
"Tôi sẽ mở rộng khuôn viên gia đình, trưng bày tất cả dàn rối để phục vụ khán giả. Cũng sẽ đầu tư "thay áo" cho những con rối cũ, hư hỏng. Tôi rất mong sẽ có thêm nhiều người trẻ có cùng đam mê để phát triển trò rối điện hơn nữa. Nếu có thể, tôi sẽ cũng mọi người khôi phục một kép rối nước", ông Thân khẳng định./.