Tham dự buổi lễ có đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thị Thu Hường – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Nguyễn Nam Đình – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Võ Thị Minh Sinh – Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phan Đức Đồng – Bí thư Thành ủy Vinh. Cùng dự có các đồng chí: Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; lãnh đạo thành phố Vinh, phường Quang Trung; Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Huy và họ Lê.
Buổi lễ diễn ra trang trọng tại Nhà Lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (số 52, đường Quang Trung, TP. Vinh). Tại buổi lễ, đại diện Ban Quản lý Di tích Nghệ An đã đọc lời tri ân, tưởng niệm liệt sỹ Nguyễn Thị Minh Khai. Qua đó, tóm tắt tiểu sử, quá trình hoạt động cách mạng và sự hy sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vinh, sinh ngày 30/9/1910 trên quê hương xứ Nghệ có truyền thống yêu nước và anh hùng. 16 tuổi, chị đã dấn thân vào con đường cách mạng, là người đầu tiên trong giới nữ ở Vinh – Bến Thủy được kết nạp vào Hội Hưng Nam (1927).
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), Nguyễn Thị Minh Khai được kết nạp vào Đảng, phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện đảng viên. Sau đó, đồng chí được Phân cục Trung ương Trung kỳ giới thiệu ra Bắc rồi sang Trung Quốc hoạt động, làm thư ký cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Văn phòng Chi nhánh Đông Phương Bộ của Quốc tế Cộng sản.
Năm 1935 đồng chí được vào đoàn đại biểu chính thức tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Matxcơva và trình bày tham luận “Vai trò của phụ nữ Đông Dương tham gia đấu tranh cách mạng”. Hai năm sau (1937), đồng chí về Sài Gòn, được phân công làm việc tại cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ. Tháng 9/1937, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn Chợ Lớn.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã yêu thương kết duyên vợ chồng với đồng chí Lê Hồng Phong, là sự gặp gỡ của hai chiến sỹ cách mạng có lý tưởng lớn. Kết quả của tình yêu thương ấy là sự ra đời của bé Lê Nguyễn Hồng Minh. Vì nhiệm vụ cách mạng, đồng chí Minh Khai phải lặng lẽ khóc thầm, kìm nén nỗi đau khi trao gửi đứa con cho các đồng chí ở cơ sở nuôi giúp khi con chưa tròn một tháng tuổi.
Ngày 30/7/1940, khi đang chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Nam Kỳ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị rơi vào tay giặc. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời tại Khám Lớn Sài Gòn, dù bị tra tấn dã man và tàn bạo, đồng chí luôn giữ vững bản lĩnh, khí tiết của người cộng sản.
Không thể khuất phục được tinh thần, ý chí đấu tranh của người phụ nữ xứ Nghệ, ngày 26/8/1941 (tức ngày 4/7 Âm lịch), thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí tại nhà thương Giếng Nước, nay là Bệnh viện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh. Tinh thần bất khuất trên pháp trường, cái chết của nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Minh Khai đã làm lay động hàng triệu trái tim yêu nước; trở thành biểu tượng bất tử của người phụ nữ Việt Nam.
Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương và dành một phút tưởng niệm anh linh nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Minh Khai. Trong giờ phút thiêng liêng, tất cả cùng bày tỏ tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai – người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh trọn đời cho Tổ quốc.
Đồng thời, nguyện sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và các anh hùng liệt sỹ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; đem hết sức lực, trí tuệ để góp phần xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng giàu mạnh.