Vừa qua, Báo điện tử Ngày mới (Báo Người cao tuổi) nhận được đơn của cán bộ, nhân viên BHXH tỉnh Nghệ An phản ánh về việc lãnh đạo của cơ quan này quản lý và chi tài chính có dấu hiệu không minh bạch và nhiều “khuất tất”…

Nội dung đơn phản ánh cho biết: Sau khi ban hành Quyết định số 743/ QĐ-BHXD ngày 26/11/2018 về việc may đồng phục năm 2018 cho các nhân viên trong ngành, ông Lê Trường Giang, Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các huyện yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức ký nhận tiền nhưng thực chất tiền được giao cho Chủ tịch Công đoàn. Ngày 13/12/2018, BHXH tỉnh Nghệ An ra Thông báo số 2375/TB-BHXH về việc may đo đồng phục với nội dung về kiểu cách may và yêu cầu cán bộ nhân viên tới may tại Nhà may Bảo Châu số 39 Hồ Tùng Mậu, TP Vinh, Nghệ An. Thông báo này không được sự đồng thuận của các huyện nên BHXH tỉnh đã họp và yêu cầu Giám đốc BHXH các huyện chỉ đạo Công đoàn các huyện mang tiền nộp trực tiếp cho Nhà may Bảo Châu để may quần áo.
 
 
Ông Lê Trường Giang, Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An.

Sau khi hoàn thiện việc may mặc, các cán bộ của Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An nhận thấy, chất lượng quần áo kém, không “phù hợp” với số tiền bỏ ra. Theo đó, 1 suất quần áo bao gồm 1 áo comle, 3 áo sơ mi và 2 quần âu mà phải chi trả 5.700.000 đồng. Trong khi mỗi suất quần áo so với giá thị trường số tiền chênh lên tới cả triệu đồng.

Để thực hiện công tác tuyên truyền của ngành về an sinh xã hội, ông Lê Trường Giang, Giám đốc đã chỉ đạo cho Bảo hiểm xã hội 10 huyện, thị ký hợp đồng lắp biển quảng cáo trước trụ sở với Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Kim Long tại số 38 Cao Bá Quát, TP Vinh, Nghệ An. Việc làm này cũng vấp phải sự phản đối mạnh từ dư luận cán bộ nhân viên các cấp cơ sở. Bởi, theo thẩm định của các Công ty quảng cáo, biển quảng cáo trên chỉ có giá trị từ 20 – 25 triệu đồng/biển, nhưng các huyện phải ký hợp đồng với giá trị từ 70 - 80 triệu đồng/biển. Số tiền chênh lệch ước tính gần nửa tỷ đồng.
 
 
Quyết định 743/QĐ-BHXH tỉnh Nghệ An.

Được biết năm 2018, cán bộ nhân viên BHXH tỉnh Nghệ An được chi may đồng phục với mức 4 tháng lương cơ sở, đối với người làm việc từ đủ 6 tháng trở lên trong năm; đối với người làm việc dưới 6 tháng trong năm được chi 2 tháng lương cơ sở. Số tiền chi hỗ trợ trong việc đo may quần áo lên tới 3.124.720.000đ, với tổng số 544 cán bộ, công nhân viên. Đối với việc may đo quần áo này đáng lý ra đơn vị phải tổ chức đấu thầu nhưng BHXH tỉnh Nghệ An lại không tổ chức.
 
Về biển bảng quảng cáo, theo chỉ đạo, các đơn vị cấp huyện phải tới Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Kim Long để thực hiện. Số tiền này do BHXH tỉnh Nghệ An chi trả nhưng cũng không tổ chức tổng hợp để đấu thầu rộng rãi khách quan mà đều xé lẻ từng huyện để thực hiện.
 
Cán bộ nhân viên của BHXH cấp huyện hết sức bức xúc về việc làm trên của lãnh đạo BHXH tỉnh Nghệ An. Cho rằng việc làm này không đúng theo quy định của pháp luật và có nhiều dấu hiệu “khuất tất”. Các cán bộ, nhân viên BHXH tại các huyện của Nghệ An thắc mắc về yêu cầu của BHXH tỉnh Nghệ An, vì sao có thể may quần áo tại địa phương nhưng lãnh đạo chỉ đạo phải đi quãng đường hàng trăm cây số xuống TP Vinh để may tại Nhà may Bảo Châu?
 
Tương tự, trong công tác làm biển bảng quảng cáo, các huyện thị xa xôi vẫn phải vượt hàng trăm ki-lô-mét để tới Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Kim Long để thực hiện(!?).
 
Để có thông tin khách quan đa chiều, sáng ngày 19/10/2019, phóng viên Báo điện tử Ngày mới, (Báo Người cao tuổi) đã tới trụ sở của cơ quan BHXH tỉnh Nghệ An liên hệ công tác.
 
Bà Trần Thị Hà, Chánh Văn phòng BHXH tỉnh Nghệ An cho biết: Tiếp nhận những nội dung về sự việc có liên quan đến BHXH tỉnh mà phóng viên báo đăng ký làm việc và sẽ trình lên Ban Giám đốc cơ quan, sau đó sẽ trả lời Báo Người cao tuổi bằng cách liên hệ trực tiếp. Tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua, Báo điện tử Ngày mới (Báo Người cao tuổi) vẫn không nhận được thông tin phản hồi từ phía BHXH tỉnh Nghệ An.