Bánh cà Hưng Tân (Nghệ An) được làm quanh năm, nhưng đặc biệt sôi động vào dịp Tết. Vụ bánh cà Tết bắt đầu từ tháng 8 đến những ngày cuối cùng trong năm âm lịch. Công việc tất bật nhưng bù lại, bánh cà Tết mang lại cho nhiều hộ dân khoản thu nhập cả trăm triệu đồng.
 
Theo lời kể của chị Phạm Thị Hằng - hộ dân làm nghề làm bánh cà ở làng Nam, xã Hưng Tân (Nghệ An), cũng không biết từ bao giờ làng Nam có món bánh này, chỉ nhớ ngày còn nhỏ xíu cứ vào dịp gần Tết, bà con trong làng lại nhộn nhịp vào ra làm bánh cà đãi khách ngày Tết. Các mẹ, các chị đã làm ra loại bánh nhỏ nhỏ, xinh xinh giống quả cà nhỏ và được gọi tên là bánh cà để sử dụng mỗi khi Tết đến, Xuân về.
 
Ngày nay, do thị hiếu người tiêu dùng, bánh cà được làm quanh năm, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con địa phương. Khi trời bắt đầu chuyển rét, làng nghề bánh cà lại trở nên sôi động. Từ những nguyên liệu sẵn có, người dân nơi đây đã tạo ra các sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.
 
Để nghề không bị mai một theo thời gian, những năm qua huyên Hưng Nguyên chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống. Cuối năm 2020, làng Nam được UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề, hiện toàn xã có 64 hộ làm bánh cà quanh năm. Bánh cà làng Nam được làm từ nguyên liệu chính gồm trứng gà do gia đình chăn nuôi và gạo nếp cũng là nguồn nguyên liệu do Hưng Tân sản xuất.
 
Cận Tết Nguyên đán, làng nghề bánh cà Hưng Tân sôi động hẳn lên, nhà nhà, người người đều làm bánh cà. Nghề này ngày thường đã vô cùng bận rộn thì những ngày Tết lại càng tất bật. Dịp Tết chính là thời điểm hàng hóa của làng bánh cà làm ra bán chạy nhất trong năm.
 
Gia đình bà Đinh Thị Lý là một trong những hộ làm nghề bánh cà lâu năm ở làng Nam. Trước đây, nghề làm bánh cà chỉ sản xuất bằng phương pháp thủ công, nay gia đình bà đã đầu tư hơn 7 triệu đồng mua máy làm bánh, vừa giải phóng sức lao động vừa nâng cao hiệu quả sản xuất.
 
Nghề này được gia đình bà Lý làm quanh năm, tuy nhiên vụ chính bắt từ tháng 8 âm lịch đến Tết Nguyên đán. Sản phẩm bánh cà của gia đình bà từ lâu đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, bởi hương vị thơm ngon. Mỗi ngày gia đình bà làm được từ 2-3 yến bột, đến dịp Tết còn nhiều hơn…”.
 
 
Trước đây, nghề làm bánh cà chỉ sản xuất bằng phương pháp thủ công, nay nhiều gia đình đã mua máy làm bánh, vừa giải phóng sức lao động vừa nâng cao hiệu quả sản xuất
 
Theo bà Lý, để làm ra những mẻ bánh cà đạt tiêu chuẩn, người làm bánh phải trải qua nhiều công đoạn công phu, tỉ mỉ, từ khâu chọn gạo nếp, trứng gà và nhào bột. Bánh cà được làm từ 3 nguyên liệu chính đó là bột nếp, trứng gà và đường cát trắng. Bánh cà Hưng Tân có vị đặc trưng riêng vừa mềm, vừa giòn thơm. Trước khi làm gạo nếp phải đem xay thành bột mịn. Bột càng nhỏ thì bánh càng ngon. Mỗi kg bột nếp trộn với 12-13 quả trứng gà.
 
Để có những viên bánh nhỏ có vị giòn tan, bột phải được nhồi kỹ đến độ mềm mịn dẻo sau đó cho vào máy cắt và vo tròn thành từng viên thật đều rồi đun gần sôi dầu thả bánh vào rán đến độ chín có màu vàng tươi. Tùy theo thị hiếu của người tiêu dùng có thể điều chỉnh độ ngọt cũng như thêm các nguyên liệu khác. Để tạo ra những sản phẩm bánh đạt tiêu chuẩn và giữ vững uy tín, bà con ở đây tuân thủ rất nghiêm ngặt các bước vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
"Loại nếp Thái giống hạt dài được người dân Hưng Tân trồng 2 vụ trong năm, còn trứng gà được người dân nuôi quanh năm. Tất cả các hộ đều cam kết sản xuất theo quy trình của làng đề ra, không để hộ nào vi phạm làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Loại bánh này cũng được dân các địa phương khác trong huyện làm nhưng theo nhiều người nhận xét, bánh cà Hưng Tân vẫn mang vị đặc trưng riêng", bà Lý cho biết thêm.
 
 
Theo bà Lý, loại bánh này cũng được dân các địa phương khác trong huyện làm nhưng bánh cà ở Hưng Tân vẫn mang vị đặc trưng riêng.
 
Mỗi năm Hưng Tân xuất ra thị trường hàng trăm tấn bánh cà. Bánh cà Hưng Tân không chỉ được người trong tỉnh tin dùng mà còn lan rộng ra các tỉnh Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Hà Nội và Sài Gòn…. từ việc phát triển các làng nghề đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Trong năm 2019, 2020 bình quân thu nhập của các hộ làm bánh lên tới cả trăm triệu đồng mỗi năm.
 
Theo ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Hưng Tân (Hưng Nguyên): Sau khi được công nhận làng nghề, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên sản phẩm bánh cà đã có mặt ở nhiều nơi. Để đảm bảo thương hiệu trên thị trường, xã đã tuyên truyền, khuyến cáo bà con nhân dân làm chất lượng để xây dựng thương hiệu; đồng thời mở rộng quy mô sản xuất, phấn đấu đưa sản phẩm bánh cà thành sản phẩm OCOP đầu tiên của xã.
 
Xuất phát chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn nhưng đến nay với nhiều hộ gia đình ở Hưng Tân, nghề này đã đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân. Đây cũng bài toán giải quyết thời gian nhàn rỗi và tận dụng nguồn lao động cũng như nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương nhằm tạo việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân, từng bước chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn./.