Vừa qua cơ quan điều tra đang tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ sao kê ngân hàng của những nghệ sĩ làm từ thiện liệu chuyện này sẽ đi đến đâu, pháp luật quy định về vấn đề điều tra và làm từ thiện chuyên nghiệp như thế nào? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Cao, Công ty Luật Hợp Danh FDVN về vấn đề này.
Hiện cơ quan điều tra đang đề nghị các ngân hàng cung cấp sao kê tài khoản của các cá nhân để phục vụ điều tra liên quan đến tố cáo của bà Phương Hằng và tin báo, tố cáo của những người khác, vậy yêu cầu thu thập sao kê này đúng không, thưa luật sư?
Luật sư Lê Cao: Vấn đề cơ quan điều tra yêu cầu các ngân hàng cung cấp chứng cứ điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động từ thiện là đang thực hiện các quy trình điều tra, xác minh thông tin tố giác, tin báo theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc, cơ quan điều tra có thẩm quyền khi có các nguồn tin từ tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện thì cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự.
Do đó, cơ quan công an đang yêu cầu cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng của các cá nhân đã huy động tiền từ thiện để kiểm tra, xác minh thông tin là hoạt động cần thiết. Bởi lẽ, khi đã khởi động công việc điều tra xác minh thì theo Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh làm rõ có hay không có hành vi phạm tội hoặc có hay không các hành vi vi phạm pháp luật khác và các vấn đề liên quan quan trọng khác để chứng minh các vấn đề liên quan đến thông tin tố giác, tin báo hoặc thông tin mà các cơ quan điều tra trực tiếp phát hiện được. Việc làm rõ nguồn tiền quyên góp rồi xác minh được nguồn chi từ thiện là một cách để xác nhận được vấn đề sử dụng dòng tiền từ thiện.
Khi nhận được các tin báo, tố giác về tội phạm, thì cơ quan điều tra cần phải xác minh, thu thập chứng cứ theo trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Theo Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự thì tố giác, tin báo của cá nhân, cơ quan, tổ chức và cơ quan có thẩm quyền tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm là một trong những căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. Do đó, theo khoản 1 Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự thì mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng. Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.
Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động cần thiết, trong đó có việc thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin. Việc thu thập các thông tin sao kê ngân hàng chỉ là một phần của các công việc điều tra xác minh, vì để chứng minh có hay không có hành vi vi phạm pháp luật còn cần đến các hoạt động điều tra xác minh về nguồn tiền được chi ở đâu, có hay không việc sử dụng các thủ đoạn gian dối, có hay không việc chiếm đoạt tài sản trái phép, có hay không việc sử dụng tiền sai mục đích, rồi thời điểm xảy ra hành vi, địa điểm, giá trị tài sản bị chiếm đoạt, các dấu hiệu liên quan khác…Muốn chứng minh có hay không có dấu hiệu tội phạm thì cần rất nhiều hoạt động điều tra xác minh cần thiết khác nhau để làm rõ nhiều vấn đề, sao kê chỉ là một phần thông tin của hoạt động điều tra.
Như vậy, hoạt động thu thập chứng cứ hiện nay đang được triển khai theo quy định này của Bộ luật tố tụng hình sự. Hoạt động này là công việc bình thường, đúng quy định pháp luật và các cơ quan được yêu cầu cung cấp thông tin phải cung cấp. Vấn đề này không chỉ trong vấn đề từ thiện mà nhiều vấn đề khác tương tự cũng sẽ được tiến hành như vậy.
Chúng tôi cho rằng, để chấm dứt những câu chuyện quá ầm ỉ vừa qua, thì điều tốt nhất là tiến hành điều tra tất cả các vấn đề được tố giác hoặc cung cấp tin báo, nếu có các hành vi sai phạm thì xử lý dứt điểm, không có thì kết luận để những người bị tố cáo tránh những thị phi. Hơn nữa, khi làm rõ các vấn đề pháp lý, cơ quan có thẩm quyền cũng có thể hướng dẫn các bên lựa chọn các giải pháp giải quyết các vấn đề bằng pháp luật để tránh những sự tranh cãi không đáng có dựa trên những thông tin không có sự xác minh kiểm chứng.
Có khi nào lâm vào tù tội khi làm từ thiện không thưa ông, tại sao làm từ thiện mà cũng phạm luật?
Luật sư Lê Cao: Hiện nay, hoạt động làm từ thiện tự phát sẽ dẫn đến quy trình quyên góp và vấn đề chi tiền từ thiện sẽ khó mà minh bạch, rõ ràng nếu không có sự chuẩn chỉ và chuyên nghiệp từ khi thực hiện, thì sẽ có những hệ lụy không đáng có. Vấn đề quyên góp tiền từ thiện không qua việc thành lập quỹ để hoạt động, nên về phương diện so sánh với các quy định bị cấm theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP không được áp dụng cho trường hợp các cá nhân tự làm từ thiện mà không lập quỹ. Thế nhưng, bản thân các giao dịch dân sự về quyên góp quỹ, thu chi quỹ cũng có thể được điều chỉnh bằng các quy định của pháp luật khác có liên quan đến các vấn đề sở hữu tài sản, chiếm hữu tài sản.
Theo đó, có thể có các vấn đề pháp lý có thể xảy ra, ví như giao ước với nhau về việc giao tiền để ủy thác làm từ thiện, mà người được nhận thực hiện không đúng thỏa thuận thì có thể vi phạm nghĩa vụ dân sự, như thế bên giao tiền có thể yêu cầu hoặc khởi kiện để yêu cầu cá nhân vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ hoặc hoàn trả lại tiền từ thiện được sử dụng không đúng chẳng hạn. Tuy nhiên, phải chứng minh được có sự thỏa thuận, trong khi chuyện góp tiền từ thiện sơ sài nên rất khó chứng minh giao ước giữa hai bên, chỉ có hành vi, thông tin chuyển khoản hoàn toàn tự nguyện rất đơn giản là điều rất khó ràng buộc trách nhiệm.
Trong tình huống khác, nếu người nhận tiền từ thiện của người khác nhưng lại không thực hiện đúng cam kết chi tiền từ thiện mà có mục đích vụ lợi, giữ làm của riêng, tiêu xài cá nhân thì lại phải tùy vào từng tình huống cụ thể để xem xét chế tài trách nhiệm hành chính do sử dụng trái phép tài sản, chiếm dữ trái phép tài sản, gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác, nếu các vi phạm này chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, nếu có các hành vi gian dối, lừa đảo để chiếm đoạt tiền từ người khác thông qua hoạt động kêu gọi quyên góp, tuy nhiên lại có động cơ, mục đích vụ lợi, không dùng tiền được người ủng hộ để thực hiện mục đích từ thiện mà tiêu dùng cá nhân, chiếm đoạt trái phép thì tùy theo mức độ hành vi, tình tiết cụ thể của hành vi người vi phạm còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về các tội danh như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Vậy nếu các nghệ sĩ không sai thì sao thưa luật sư?
Luật sư Lê Cao: Như chúng tôi đã nêu ở trên, dưới phương diện pháp lý, thì có các giải pháp pháp lý có thể được sử dụng nếu những người nổi tiếng làm từ thiện nhưng có những vi phạm pháp luật tùy từng trường hợp. Nếu dân sự thì các bên bị xâm phạm quyền lợi có thể khởi kiện dân sự, nếu vi phạm hành chính và hình sự thì cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh được những người đó có vi phạm pháp luật hành chính hoặc hình sự hay không, nếu không chứng minh được có sự vi phạm thì không bị xử lý trách nhiệm. Nếu hoạt động từ thiện được thực hiện đúng luật, công khai minh bạch, đúng đắn thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra cả. Khi điều tra, thì cơ quan có thẩm quyền có nghĩa vụ chứng minh người bị điều tra có vi phạm gì hay là không.
Theo quy định tại Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự thì cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự khi không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm … Do đó, khi không có sự việc phạm tội hoặc hành vi đang được xác minh, điều tra không cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ có quyết định không khởi tố vụ án. Hoặc các vấn đề pháp lý phát sinh nếu có sẽ được xử lý phương diện hành chính hoặc hướng dẫn các bên tranh chấp khởi kiện bằng vụ án dân sự theo quy định của pháp luật. Đối với những người cố tình tố giác sai, vu khống chẳng hạn, thì tùy mức độ vi phạm cũng có thể bị xử lý trách nhiệm hành chính hoặc hình sự về hành vi vu khống theo quy định của pháp luật.
Ông đánh giá thế nào về việc làm từ thiện của các nghệ sĩ ở Việt Nam hiện nay?
Luật sư Lê Cao: Vấn đề từ thiện của các cá nhân ở nước ta thực tế là những quan hệ dân sự tự nhiên, những hoạt động tự phát giữa các cá nhân trong hoạt động tương trợ, làm việc thiện vào những lúc thiên tai, dịch bệnh. Hiện nay, Nghị định số 93/2019/NĐ-CP là cơ sở pháp lý khá hoàn thiện để những người làm từ thiện chuyên nghiệp có thể thành lập Quỹ từ thiện để triển khai những hoạt động từ thiện vốn là điều rất cần trong cuộc sống, lập quỹ từ thiện để làm việc có ích cho cộng đồng cũng là điều mà nhiều doanh nhân, người nổi tiếng trên thế giới thường làm và họ làm từ thiện với bộ máy quản lý quỹ chuyên nghiệp nên những chuyện minh bạch tài chính, vấn đề ủng hộ cho quỹ, thu chi tài chính quỹ được làm bằng cơ chế bài bản.
Trong khi đó, hoạt động quyên góp tiền từ thiện của những người nổi tiếng ở ta đang được thực hiện khá tự phát, không lập quỹ theo quy định, mang tính kêu gọi cá nhân, mỗi người góp được ít nhiều tùy vào lượng người hâm mộ ủng hộ, rồi việc thu chi không được tổ chức quy cũ, tài khoản gây quỹ lại tài khoản của cá nhân, do đó, khi có những vấn đề về niềm tin xảy đến, chuyện ồn ào đòi xác minh, đòi sao kê, đòi xử lý dường như là tất yếu của cái gốc làm từ thiện không chuyên nghiệp.
Theo chúng tôi, hiện đã có pháp luật quy định về việc lập quỹ từ thiện khá hoàn thiện, chuyện lập quỹ cũng không phải là quá khó khăn vì hiện giờ quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP và Thông tư số 4/2020/TT-BNV đã quy định đầy đủ, quy cũ vấn đề làm từ thiện, do đó nếu các nghệ sĩ muốn đóng góp sức mình, tạo sự lan tỏa yêu thương san sẻ cho cộng đồng thì có thể tiến hành lập quỹ từ thiện để việc chia sẻ từ thiện được chuyên nghiệp hơn.
Luật pháp không thể cấm chuyện chia sẻ yêu thương một cách tự phát, nhưng luật pháp cũng có hành lang pháp lý cho việc làm từ thiện chuyên nghiệp, do đó, những nghệ sĩ là những người có ảnh hưởng rộng lớn, có thể huy động tình yêu thương trong hoạn nạn tốt hơn người bình thường, chuyện họ làm từ thiện là đáng trân quý, nhưng để chuyên nghiệp, tránh thị phi thì chúng tôi nghĩ rằng nên lập quỹ một cách chuyên nghiệp và bài bản để làm từ thiện.
Khi công việc từ thiện được minh bạch, được làm bài bản thì chắc chắc người hâm mộ sẽ có thêm niềm tin yêu đối với các nghệ sĩ. Còn như hiện nay thì đôi khi có nhiều hệ lụy sẽ xảy đến và không lường được hết các vấn đề mà từ thiện tự phát gây ra.
Xin cảm ơn Luật sư!