Kênh CNN dẫn thông tin từ các quan chức Hàn Quốc cho biết số người chết sau vụ giẫm đạp tại lễ hội Halloween ở thủ đô Seoul ngày 29-10 đã lên đến 151 người, trong đó có 19 công dân nước ngoài, 82 người bị thương vẫn trong tình trạng nguy kịch. Hầu hết những người thương vong đều là thanh thiếu niên trong độ tuổi 20. Trong số những người thiệt mạng, 97 người là phụ nữ và 54 người là nam giới. Các báo cáo ban đầu cho biết hầu hết các nạn nhân đều ở độ tuổi 20.
Ông Choi Cheon-sik, đại diện Cơ quan Cứu hỏa Quốc gia Hàn Quốc cho biết, đã nhận được 81 cuộc điện thoại báo cáo về tình trạng khó thở. Hiện tại, một trung tâm y tế khẩn cấp tạm thời đã được thiết lập gần ga Itaewon để điều trị cho những người gặp nạn.
Truyền thông địa phương cho biết, sự cố đáng tiếc xảy ra khi đám đông bắt đầu xô đẩy trong một con hẻm gần khách sạn Hamilton, một điểm tổ chức tiệc Halloween ở Itaewon. Hình ảnh từ hiện trường cho thấy, nhiều nạn nhân được hô hấp nhân tạo ngay trên đường, những người khác được đưa tới các bệnh viện gần đó.
Tổng thống Yoon Suk Yeol đã yêu cầu tổ chức một đội ứng phó thảm họa khẩn cấp sau khi vụ giẫm đạp xảy ra. Ông cũng yêu cầu các quan chức xem xét lại tính an toàn của các địa điểm tổ chức lễ hội.
Hãng Yonhap đưa tin 19 người nước ngoài đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp kinh hoàng ở Itaewon, hiện chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị thương vong trong vụ tai nạn này.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã chỉ định thời gian quốc tang cho tai nạn tại lễ hội Halloween ở Seoul và cho biết sẽ phát biểu trước quốc gia về vụ việc, theo hãng tin Yonhap.
Ông Yoon cũng cho biết ông sẽ chỉ đạo Bộ Nội vụ và các bộ khác có liên quan tiến hành rà soát khẩn cấp tất cả các lễ hội Halloween và các lễ hội địa phương khác để đảm bảo chúng được diễn ra một cách trật tự và an toàn.
Làm sao để tranh rủi ro tại các lễ hội đông người?
Lễ hội Halloween ở quận Itaewon, Seoul (Hàn Quốc) tối 29/10 bỗng trở thành thảm họa khi đã có ít nhất 151 người thiệt mạng. Vậy làm sao để tránh rủi ro tại các lễ hội đông người là điều ai cũng nên lưu ý.
Thảm họa xảy ra ở các lễ hội đông người không hiếm gặp vì nơi quá đông người luôn tiềm ẩn những rủi ro mất kiểm soát. Gần đây nhất là thảm kịch ở Indonesia tại một sân bóng đá khiến 127 người tử vong. Nguyên nhân bắt đầu từ sự xung đột giữa nhóm cổ động viên và cảnh sát, nhưng nguyên nhân dẫn đến nhiều người tử vong lại là do nhiều người hoảng loạn khi có tiếng súng hơi cay. Họ cùng đổ dồn về phía cổng ra vào. Họ mắc kẹt tại cổng và đã đạp lên nhau. Các rủi ro đó hoàn toàn có thể xảy ra ở các lễ hội về tôn giáo, lễ hội chào năm mới, nơi tổ chức show diễn ca nhạc quy mô lớn và cả ở các sự kiện thể thao.
Việc kiểm soát các rủi ro để hạn chế thảm họa đều cần cả hai phía, đơn vị tổ chức và người tham gia.
Về phía đơn vị tổ chức cần phân làn di chuyển 1 chiều để tránh việc tất cả các ngã rẽ đều di chuyển về cùng 1 tụ điểm. Cần lập các chốt để kiểm soát số lượng người di chuyển vào khu vực trung tâm sự kiện hoặc khu vực đang có quá đông người.
Không nên tổ chức sự kiện đông người ở nơi có nhiều ngả đường dồn về. Nếu có thì chỉ cho dòng người đi vào một hướng và đi ra ở hướng khác.
Người tham gia lễ hội nếu đang mắc kẹt ở đám đông, tránh việc la hét, tránh việc tạo ra tiếng nổ, tránh việc phao tin giả về một sự cố nghiêm trọng giữa đám đông. Chẳng hạn giữa nơi đám đông đang chèn ép nhau mà nghe một tiếng nổ lớn, nghe tin giả có chất độc, ngay lập tức đám đông sẽ mất kiểm soát.
Và điều quan trọng nhất với người tham gia: Nếu thấy đám đông đang quá đông, nên tản ra. Đừng tiếp tục đi vào đó./.