Tình trạng tài xế uống bia rượu, nghiện ma tuý lái xe đang có chiều hướng gia tăng khi lực lượng CSGT liên tục phát hiện nhiều lái xe, nhất là lái xe đường dài, xe container dương tính với ma túy. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm do “con nghiện”, “ma men” cầm lái gây ra.
Một số ý kiến cho rằng, việc quản lý thông tin tài xế xe container, xe tải nghiện ma túy chưa chặt, giám sát của cơ quan chức năng chưa nghiêm là những nguyên nhân gây tai nạn.
Vụ lái xe container sử dụng ma túy liều lĩnh “thông chốt” kiểm dịch tại tỉnh Sóc Trăng, trên đường bỏ chạy đã đâm vào nhiều xe ngày 18/6 vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng các lái xe xe đường dài nghiện ma túy.
Tài xế nghiện ma túy “thông chốt” gây tai nạn liên hoàn ở Sóc Trăng
Vào lúc 9h ngày 18/6, tài xế Vũ Đình Đức (SN 1986, ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) điều kiển xe đầu kéo BKS 51C-262.09 kéo theo rơ-moóc BKS 60R-002.94 chở theo nhiều cột đèn chiếu sáng chạy hướng Cần Thơ – Bạc Liêu trên tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp. Khi đến phường 2 (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng), gặp tổ tuần tra cơ động phòng, chống dịch COVID-19 thị xã Ngã Năm và được yêu cầu dừng xe kiểm tra, khai báo y tế theo quy định.
Tuy nhiên, lái xe đã không chấp hành và bất ngờ “thông chốt” bỏ chạy sau khi đâm, va chạm với xe của lực lượng tuần tra kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 61C.
Sau khi chạy tới thị trấn Phú Lộc, Đức cho xe rẽ phải theo Quốc lộ 1 về hướng Bạc Liêu. Khi đến trạm thu phí tỉnh Bạc Liêu, Đức cho xe vượt trạm thu phí, đâm tiếp vào nhiều phương tiện khác, gây tai nạn cho người đi đường và tiếp tục chạy về hướng Sóc Trăng.
Trước sự manh động của lái xe, lực lượng tuần tra kiểm soát Công an thị xã Ngã Năm thông báo, xin chi viện từ các đơn vị Công an tỉnh Sóc Trăng phối hợp chặn xe lại.
Khi đến địa bàn xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), xe của Đức gặp vật cản là nhiều xe ô tô hạng nặng được CSGT trưng dụng chặn đường.
Thay vì dừng lại, Đức liều lĩnh cho xe lao vào các xe đang chặn đường khiến các xe này bị hư hỏng, còn xe đầu kéo do Đức điều khiển nát phần đầu bên trái, không thể di chuyển tiếp được, Đức bị lực lượng chốt chặn cùng nhân dân hai bên đường bắt giữ vào hơn 10h cùng ngày.
Qua test nhanh, cơ quan chức năng phát hiện Đức dương tính với may túy đá. Tại cơ quan Công an, Đức khai nhận với cán bộ điều tra trước đó đã sử dụng ma túy đá.
Theo số liệu của Cục CSGT (Bộ Công an), chỉ trong 10 ngày (từ ngày 15/3-24/3/2021) ra quân thực hiện chuyên đề kiểm tra người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, nồng độ cồn, lực lượng CSGT toàn quốc đã kịp thời phát hiện xử lý 5.752 trường hợp vi phạm nồng cồn, ma túy.
Trong đó vi phạm nồng độ cồn 5.693 trường hợp; ma túy 59 trường hợp, phạt tiền gần 20 tỉ đồng; tước 3.202 giấy phép lái xe; tạm giữ 5.752 phương tiện các loại.
Tuy nhiên, theo Cục CSGT, các trường hợp trên sau khi bị phát hiện vi phạm, lái xe sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng lái xe 22 - 24 tháng, tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, vụ lái xe nghiện ma túy “thông chốt” ở Sóc Trăng vừa qua lẽ ra phải được phát hiện, xử sớm hơn qua hệ thống camera giám sát, hệ thống giám sát hành trình.
“Nếu chúng ta có hệ thống giám sát tài xế đủ mạnh, thì khi doanh nghiệp, cơ quan quản lý thấy có những bất thường phải can thiệp được ngay. Nhưng ở đây chưa có sự phối hợp và giám sát đó. Hơn nữa, nếu như có camera giám sát trên xe sẽ phát hiện ra được những biểu hiện của nghiện, “ngáo đá”, say xỉn...của tài xế cũng sớm ngăn chặn được những vụ việc tương tự. Cần thiết sớm lắp đặt hệ thống camera giám sát trên xe kinh doanh như Nghị định đã yêu cầu để có thêm công cụ giám sát và quản lý”, TS Tạ Minh Hùng, nguyên giảng viên Đại học GTVT phân tích.
Chế tài xử lý lái xe “chơi” ma túy chưa mạnh
Theo ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, kết quả của nhiều cuộc kiểm tra khác nhau cách đây vài năm cho thấy, tỉ lệ tài xế xe tải có sử dụng ma túy lên tới 30-40%.
Tại các cuộc kiểm tra tại Hải Dương (năm 2017) cho thấy tỉ lệ ở mức 1%-2%, tại Hải Phòng là 3% với hàng trăm tài xế bị loại do dương tính với ma túy mỗi năm. Tuy nhiên, theo đánh giá thì thực tế tài xế xe tải đường dài có sử dụng ma túy có thể lớn hơn nhiều.
Ông Minh cho rằng, các chế tài hiện hành như phạt tiền, tước giấy phép lái xe, chấm dứt hợp đồng lao động…vẫn đang được áp dụng nhưng chưa đủ mạnh, chưa hiệu quả vì tài xế bị cho nghỉ việc nơi này thì họ đến nơi khác hành nghề.
“Với tài xế, đặc biệt là xe khách và xe tải có hành vi sử dụng ma túy là đủ các yếu tố để xử lý về tội giết người, kể cả khi chưa gây hậu quả. Hành vi này nên xử lý hình sự mà không cần hậu quả. Luật nên sửa và xử lý theo hướng này”, ông Trần Hữu Minh cho hay.
Cùng với đó, ông Minh đề nghị, những hồ sơ, thông tin của tài xế dương tính với ma túy cần được lưu trữ và chia sẻ để tất cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp đều có thể kiểm tra khi tuyển dụng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Dưới góc độ của luật sư, luật sư Lê Văn Thiệp-Trưởng văn phòng Luật sư Toàn cầu (Hà Nội) cho rằng, với loại tội phạm lái xe sử dụng ma túy cần phải phòng ngừa mạnh mẽ.
“Sống chung với một người nghiện đã đáng sợ, để cho một người nghiện lái xe thì thật là không thể tưởng tượng nổi. Câu hỏi đặt ra là tại sao những người nghiện như vậy vẫn ung dung được hành nghề lái xe, đánh cược tính mạng của biết bao con người khi mà ngành giao thông vận tải đã có quy định về việc giám sát sức khỏe tài xế”, luật sư Lê Văn Thiệp đặt vấn đề.
Luật sư Lê Văn Thiệp kiến nghị, cần sửa đổi ngay Bộ luật Hình sự để tăng nặng hình phạt đối với tội phạm vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Điều 260 mới đủ sức răn đe.
Phải xử lý chủ xe liên đới trách nhiệm hình sự với tài xế
Việc báo động về các lái xe đường dài sử dụng chất ma túy gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian qua đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý của từng đơn vị ban ngành liên quan cũng như chủ doanh nghiệp sử dụng lái xe.
Bên cạnh việc điều chỉnh cơ sở pháp lý, có chế tài thật nặng về hành chính lẫn trách nhiệm hình sự đối với tài xế sử dụng chất ma túy khi lái xe, cần phải xử lý trách nhiệm liên đới của chủ xe và doanh nghiệp như Công an TP HCM trước đó từng kiến nghị. “Một số trường hợp chủ phương tiện phải liên đới trách nhiệm hình sự khi có xe quá tải, tài xế nghiện ma túy khi lái xe”.
Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng, hiện tài xế sử dụng ma túy, làm việc quá thời gian quy định mới chỉ có phần trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, còn các cơ quan chức năng, quản lý thì vô can. Đây là một lỗ hổng, cần phải sửa luật và đưa vào luật.
“Việc cần thiết phải làm là điều tra, phân tích và xử lý hành vi sử dụng ma túy của tài xế liên quan trực tiếp tới tổ chức, cá nhân đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho tài xế nếu có sai phạm phải xử lý. Cùng đó là cần làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải quản lý tài xế trong việc theo dõi, giám sát”, ông Minh phân tích.
Ông Minh cho biết, tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm an toàn giao thông năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh: Cần phải xử lý thật nghiêm, tước bằng lái vĩnh viễn, buộc tài xế uống rượu đi lao động công ích. Có như vậy mới mong bớt những vụ tai nạn giao thông do lái xe nghiện ma túy gây ra.
Phía sau các vụ tai nạn nghiêm trọng do tài xế nghiện ma túy, say rượu gây ra, nhiều người bất bình gọi hành vi đó là tội ác. Nhưng ở góc độ khác, không chỉ những tài xế này mà việc để lọt người nghiện ma túy vào đội ngũ tài xế của những người, đơn vị thẩm định sức khỏe tài xế, cũng là tội ác. Một tội ác không thể dung thứ./.