Đến với miền tây xứ Nghệ là đến với một thiên đường cảnh sắc tuyệt đẹp, với những câu chuyện lịch sử còn in dấu thời gian trên những mảng màu di tích, những con suối róc rách bình yên xoay tròn bên cọn nước; những buổi chiều tà lãng đãng theo về trên đôi vai người gùi củi; trẻ thơ hồn nhiên nô đùa bên nếp nhà; và đâu đó là nụ cười hồn hậu của một cô gái Thái…
Bản làng người Mông tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh: Sách Nguyễn.
Ắt hẳn trong chúng ta, ai cũng đã từng nghe câu thơ “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật, miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” trong Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, viết về sự hào hùng của cuộc chiến chống quân Minh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427). Miền Trà Lân chính là huyện Con Cuông của Nghệ An. Một vùng đất vừa hùng vĩ vừa hữu tình, với Pù Mát, Pù Huống, thác Khe Kèm, suối Moọc…
Trong lõi rừng Pù Mát thuộc địa phận xã Môn Sơn gần với nước bạn Lào, bên chiếc cầu treo bắc qua sông Giăng, sẽ thoáng thấy thắng cảnh đập Phà Lài (tiếng Thái “phà lài” là hoa của trời hay là lèn hoa). Đúng như tên gọi, trên những vách núi đá chênh vênh lơ lửng vô vàn các loài cây dây leo, mỗi cây có một loài hoa khác nhau, với nhiều màu sắc rực rỡ.
Trên chiếc thuyền nhỏ rẽ sóng sông Giăng, ta trở về với thiên nhiên đích thực. Hai bên bờ cây cối rậm rạp, đậm vẻ hoang sơ. Thi thoảng lại có những bè nứa trôi xuôi trong dòng sông xanh ngắt lặng như tờ. Cũng từ khi có đập Phà Lài, đoạn sông Giăng vào với bản tái định cư Cò Phạt, Khe Khặng của hơn 70 hộ gia đình dân tộc thiểu số Đan Lai cũng bớt dần những xa xôi, cách trở.
Rời miền Trà Lân, chúng tôi tiếp tục ngược theo dòng sông Hiếu quanh năm hiền hòa. Chúng tôi về với vùng đất Hoa Tiến, huyện Quỳ Châu, nơi được coi là cái nôi của nền văn hóa của người Thái miền tây xứ Nghệ. Vượt cánh đồng Tả Chum qua con đường lởm chởm đá, chúng tôi như lạc vào một không gian cổ xưa với hàng trăm ngôi nhà sàn.
Cổng trời Mường Lống quanh năm mây mù bao phủ.
Hồ hởi tiếp khách, ông Sầm Văn Duẩn - Trưởng bản Hoa Tiến khoe: “Mình lớn lên đã thấy bản làng như thế này rồi. Chẳng ai dặn dò ai nhưng con cháu cứ thế tự phát huy truyền thống văn hóa dân tộc của cha ông mà lưu giữ lại những gì là bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.
Hoa Tiến còn được biết đến là mảnh đất của nghề dệt thổ cẩm. Trên mỗi vuông thổ cẩm có màu xanh của cây rừng, màu hồng, màu đỏ của những cánh hoa, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời…
Bà Sầm Thị Bích, thành viên HTX dệt thổ cẩm Hoa Tiến cho biết, đã là con gái Thái thì phải biết dệt thổ cẩm và thêu thùa. Họ thường tự tay làm những chiếc váy, bộ chăn, đệm, những chiếc khăn Piêu… và thổ cẩm đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của chị em dân tộc Thái.
Làng Thổ cẩm Hoa Tiến.
Tính cách và tuổi tác được thể hiện rất rõ trên những vuông thổ cẩm. Với những cô gái đang yêu thì không thể giấu nổi tình cảm của mình bằng những gam màu sáng chủ đạo. Còn những người phụ nữ lớn tuổi thì thiên về những gam màu trầm, về những đường nét rắn rỏi và đậm nét suy tư.
Hàng dệt thổ cẩm của người Thái ở Hoa Tiến với những họa tiết hoa văn phong phú, nhã nhặn đã thực sự chiếm được cảm tình của nhiều khách hàng trong nước và quốc tế. Bởi vậy, làng Thái cổ Hoa Tiến là một trong những nơi được huyện Quỳ Châu chọn làm điểm xây dựng du lịch cộng đồng.
Ở miền tây xứ Nghệ còn có một nơi được ví như Sa Pa. Đó là cổng trời Mường Lống, nơi cực hấp dẫn những người ưa xê dịch, đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mây trời và khám phá văn hóa đặc sắc của vùng cao. Từ thị trấn Mường Xén, chúng tôi lên con xe “Exciter 150” cứ thẳng hướng “bạn Lào” với tầm độ 60km là đặt chân đến “Sa Pa của xứ Nghệ”.
Mường Lống nằm trong thung lũng của một ngọn núi cao thuộc huyện Kỳ Sơn. So với nhiều điểm du lịch khác của Nghệ An, Mường Lống còn khá mới mẻ. Một phần vì nơi này nằm quá xa trung tâm, một phần vì địa hình đồi núi hiểm trở. Thế nhưng chừng ấy khó khăn không thể khuất phục những bàn chân yêu khám phá.
Cổng trời Mường Lống nằm trong thung lũng tuyệt đẹp của một dải núi cao đến 1.500 mét bên dãy Trường Sơn. Tới đây, du khách sẽ rất thích thú khi được băng băng trên những cung đường quanh co, hai bên cây cối ngút ngàn. Đâu đâu cũng là một màu xanh bát ngát. Một không gian bạt ngàn của rừng cây hòa quyện cùng hoa cỏ ven đường, vẽ nên một bức tranh cực lãng mạn. Xa xa là mây mù sương khói bảng lảng. Những ngày giáp Tết, khi cái rét phủ khắp miền tây xứ Nghệ, cổng trời Mường Lống mây mù bao phủ, khắp các bản làng, những cây hoa đào đã bắt đầu khoe sắc, lập lòe trong màn sương.
Nói về địa danh được ví là Sa Pa xứ Nghệ, ông Và Chà Xà, Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết, nhờ địa thế đồi núi cao mà khí trời ở đây quanh năm mát lành, nhiệt độ không bao giờ vượt quá 25 độ. Cũng theo ông Xà, ở Mường Lống còn có một loại đặc sản mà rất được nhiều người quan tâm trong dịp Tết chính là những cành đào đá trứ danh.
Toàn xã có khoảng 25 ha đào được trồng trong vườn nhà và trên nương rẫy, tập trung ở các bản Mường Lống 1 và Mường Lống 2. Hàng năm, mỗi dịp Tết, người dân trong xã bán ra thị trường khoảng trên 1 nghìn cành đào, cũng đủ cho một cái Tết sung túc./.