saostar-fpmxl2dh5o5009d3-1635515799.jpeg
SLNA được đặc cách đá V.League 2022 dù không đáp ứng đủ tiêu chí. Ảnh: VPF

V.League chuẩn bị bước vào tuổi 21, tức có 21 năm được gắn tiếng chuyên nghiệp. Nhưng sau 20 năm thì mọi thứ vẫn diễn ra theo kiểu lạ lùng, ví dụ như SLNA có 3 năm liền được đặc cách đá V.League.

Cụ thể, SLNA vừa được đặc cách tham dự V.League 2022 dù không đáp ứng đủ tiêu chí chuyên nghiệp. Hài hước là SLNA đã được đặc cách 2 năm liên tiếp, bây giờ là lần thứ 3. Có lẽ chỉ ở bóng đá Việt Nam mới có chuyện một đội bóng được cấp phép chơi chuyên nghiệp mà 3 năm liền không đáp ứng đủ các tiêu chí. 

Câu chuyện của SLNA sẽ mang đến hậu quả dài hạn cho bóng đá Việt Nam. Vì nhiều CLB sẽ nhìn vào sự đặc cách của SLNA và có thể "bắt bẻ" VFF trong tương lai nếu không đủ tiêu chí dự V.League. Nói ví von thì chuyện đặc cách đã trở thành "đặc sản" V.League cho một số CLB.

Một đội bóng khác là Quảng Ninh FC đá bóng trong nhiều mùa nợ tiền. Bây giờ đội bóng đất Mỏ chính thức nghỉ ở V.League, nếu tiếp tục thi đấu thì bắt đầu từ giải hạng Ba.

Hà Nội FC của bầu Hiển chơi thăng hoa tại đấu trường châu Á vào năm 2019. Nhưng chỉ một năm sau thì không đáp ứng được tiêu chí của AFC về tuyến trẻ, qua đó mất suất dự cúp châu Á năm 2020.

CLB Bình Định đang bỏ rất nhiều tiền để mua quân. Nghịch lý là đội bóng đất Võ không đáp ứng đủ tiêu chí chuyên nghiệp, VFF đặc cách cho đá V.League 2022. Bình Định FC cũng thuê sân Nha Trang của Khánh Hoà ở đầu mùa bóng 2021 vì giải đấu diễn ra nhưng sân Quy Nhơn tu sửa chưa xong.

CLB Hải Phòng nợ thuế gần 18 tỷ đồng ở thời cựu chủ tịch Trần Mạnh Hùng. Mọi thứ thêm ồn ào vì tiền bạc với ngoại binh cũng thuộc thời ông Trần Mạnh Hùng. Bây giờ Hải Phòng FC được đá chuyên nghiệp khi giãn nợ thuế đến hết năm 2021.

CLB SLNA cũng là trường hợp tiêu biểu về sự nghịch lý tài chính của bóng đá Việt Nam, vì có thông tin đang nợ hơn 400 tỷ đồng. Nhưng họ có nhà tài trợ mới thì mua sắm rầm rộ khi xuất hiện những thông tin hành lang là chiêu mộ Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng. Đội bóng xứ Nghệ đã gia hạn thành công hợp đồng với Phan Văn Đức. Ba cầu thủ này chắc chắn khiến cho SLNA tốn khoản tiền khoản 30 tỷ nếu mỗi cầu thủ ký 3 năm. Vấn đề là SLNA liệu có giải quyết xong số tiền nợ hơn 400 tỷ?

Bài toán kinh phí đã góp phần tạo ra lỗ hổng lớn cho sân chơi chuyên nghiệp. Trường hợp CLB Quảng Ninh là ví dụ, đội bóng này rơi vào cảnh khó khăn thì nhà tài trợ chính của CLB Đà Nẵng từng gắn bó trong 2 năm (năm 2015 và năm 2016). Cũng từ thời điểm đó thì những trận đấu của Quảng Ninh FC và Hà Nội FC, Quảng Nam, CLB Đà Nẵng bị dư luận đặt dấu hỏi về tính sòng phẳng.

Bóng đá không bao giờ chết, nhưng nhiều CLB Việt Nam sẽ còn "chết" theo kiểu CLB Quảng Ninh trong tương lai. Vì cuộc chơi gắn tiếng chuyên nghiệp trong 20 năm nhưng thực tế một số CLB vẫn đang làm theo kiểu "xây nhà từ nóc", không có một sự bền vững./.