Đá Ông đá Mụ là một vị trí hiểm yếu trên sông Lam đoạn chảy qua hai xã Đồng Văn và Thanh Chi (Thanh Chương), từng đi vào sử sách.
Sông Lam chảy từ thượng nguồn về đây bị chặn bởi núi Quánh (xã Thanh Chi), nước cuộn vòng quanh tại vực Quánh rồi mới xuôi dòng. Đối diện với núi Quánh, bên kia sông (xã Đồng Văn) một khối đá nhô lên giữa sông, cỏ cây bao bọc, đó là đá Ông đá Mụ.
Những người cao tuổi ở xóm Thượng Quánh (xã Đồng Văn) cho biết, lúc còn để chỏm, mùa hè đi tắm sông, họ thường bơi ra giữa dòng, trèo lên hòn đá này để vui chơi. Đá Ông nằm trên, đá Mụ nằm dưới, từ xa xưa hai hòn đá này đã chồng lên nhau như thế, khi nước cạn mới nhìn rõ vách ngăn giữa chúng. Đây thực chất là hòn đá cao nhất của một bãi đá ngầm, lúc nước sông bình thường, mọi người sẽ nhìn thấy đá Ông, còn khi mùa lũ về thì tất cả chìm dưới nước.
Đá Ông đá Mụ trên sông Lam đoạn qua xã Đồng Văn (Thanh Chương).
Đá Ông đá Mụ không lớn lắm, hình dáng như một con hổ ngồi chầu về núi Quánh, “đầu hổ” cao hơn mặt nước sông tầm 1,5m. Khối đá này cùng với vực Quánh và dải đá ngầm dưới chân núi Quánh vươn ra giữa sông từng là vị trí hiểm yếu, vô cùng lợi hại cho thuyền bè qua lại. Mùa lũ, nước sông Lam sau khi chảy vòng qua núi Quánh sẽ chia thành hai luồng: luồng vượt đá ngầm, cuộn thành xoáy lớn, sôi ùng ục giữa sông, luồng chảy sang đá Ông đá Mụ rồi vòng về núi Quánh tạo nên xoáy lớn ở giữa vực Quánh
Cụ Ngũ Văn Trung (77 tuổi, ở xóm 8A, xã Thanh Chi) vốn là dân vạn chài, thường đánh cá quanh khu vực đá Ông đá Mụ cho biết: “Ngày trước, người dân Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương thường lên rừng chặt củi, nứa, kết thành bè thả sông Lam chuyển về xuôi. Lúc đi qua đoạn sông này nếu lái không chuẩn, bè sẽ bị cuốn vào vòng xoáy của vực Quánh hàng giờ liền không thoát ra được, có khi nát cả bè. Riêng thuyền thì không dám đi gần, vì sợ bị hút vào đó”.
Đầu năm 70 của thế kỷ XX, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân ta đã nổ mìn dưới chân núi Quánh, phá một khúc đá ngầm để thuyền chở lương thực, vũ khí ngược sông Lam cung cấp cho chiến trường Lào được dễ dàng hơn. Từ đây, sự ác hiểm của khu vực đá Ông đá Mụ có giảm đi, nhưng vẫn gây ra không ít khó khăn, thiệt hại cho người và thuyền bè qua lại trên khúc sông này, nhất là mùa lũ, lụt.
Đá Ông đá Mụ và núi Quánh.
Ngay trên sườn núi Quánh dựng đứng, nhô ra giữa sông Lam, người xưa đã lập nên đền Lam Giang nhìn thẳng xuống vực Quánh. Cả đền Lam Giang và đá Ông đá Mụ là những nơi linh thiêng mà người dân vạn chài, người đi bè củi, nứa…mỗi lần qua đây thường dừng thuyền bè lại, để thắp hương, cầu sự an lành, may mắn.
Tương truyền, xưa kia đá Ông đá Mụ không chồng lên nhau như bây giờ, giữa hai khối đá còn có khoảng cách mà thuyền bè qua lại được. Địa danh này được nhắc đến trong chuyện “Chuyện lạ ở Nam Đường” thuộc tập “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) hay bài “Vịnh đá Ông đá Mụ” trong tập “Ốc lâu thoại” của Bùi Dương Lịch (1757 – 1828).
Ngày nay, nước sông Lam đã xâm thực mạnh bờ sông phía Thanh Chi và bồi đắp phù sa nhiều cho bãi Đồng Văn, nên thấy đá Ông đá Mụ ngày càng xích lại gần bờ hơn. Dù có biến đổi ít nhiều và không còn bí hiểm như xưa, nhưng vực Quánh, đá Ông đá Mụ trên sông Lam vẫn là những địa danh nổi tiếng ở Thanh Chương, tiềm ẩn những điều kỳ thú cần khám phá./.