“Điểm tựa” của đồng bào

“Cháu chào bác sĩ Minh”, cô bé Xồng Y Bảy, dân tộc Mông, ở bản Quặc 3, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) cất tiếng trong trẻo, mừng rỡ khi vừa nhìn thấy Đại úy QNCN Nguyễn Công Minh, bác sĩ điều trị, Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 4. “Khỏe hẳn chưa Bảy?”, bác sĩ Minh tươi cười đáp lại. "Cháu khỏe rồi ạ", Bảy trả lời, rồi nhảy chân sáo đưa chúng tôi vào nhà.

9dc988173a55d30b8a44-1639628100.jpg
Bác sĩ Bệnh xá Quân dân y Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 cứu chữa cho bệnh nhân Xồng Y Bả

Cách đây vài ngày, Bảy được người thân đưa đến bệnh xá trong tình trạng ngộ độc nặng. Trước đó, trên đường đi học về, Bảy bẻ lá cây bên đường để ăn mà không biết đó là lá ngón, một loại cây độc dược. Tại bệnh xá, bác sĩ Nguyễn Công Minh cùng đội ngũ y sĩ, bác sĩ thực hiện hỗ trợ hô hấp, hút dịch khai thông đường thở; tiến hành rửa dạ dày loại trừ độc chất, truyền dịch và điều trị giải độc tích cực. Nhờ vậy, Bảy đã thoát khỏi "lưỡi hái tử thần". Anh Xồng Bá Cồ, bố của Bảy xúc động nói: “Nếu không có các thầy thuốc bệnh xá Đoàn KT-QP 4, thì không biết số phận con gái tôi sẽ ra sao... Chúng tôi mang ơn các bác sĩ quân y nhiều lắm”.

Bác sĩ Minh cho biết, ngoài việc điều trị các loại bệnh thường gặp cho đồng bào, bệnh xá còn chủ động nâng cao năng lực chữa trị, xử lý các trường hợp bệnh nhân cấp cứu do ngộ độc rượu, ăn lá ngón tự tử... Mỗi năm, các xã như Tri lễ, Nậm Càn, Na Ngoi... có hàng chục ca cấp cứu vì những nguyên nhân trên. Mới đây nhất, đầu tháng 12-2021, Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 4 vừa cấp cứu cho bệnh nhân Và Bá Xềnh, dân tộc Mông, sinh năm 1991, ở bản Thăm Hín, xã Nậm Càn, bị ngộ độc rượu rất nặng. Anh được người thân đưa đến bệnh xá trong tình trạng hôn mê sâu, triệu chứng trụy tim, mạch khó bắt, không đo được huyết áp... nguy cơ tử vong. Với tinh thần trách nhiệm và chuyên môn vững vàng, các thầy thuốc của bệnh xá tiến hành hồi sức cấp cứu tích cực, cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Còn lắm... gian truân

Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 4 đóng tại xã Na Ngoi, trên dãy núi Phu Xai Lai Leng. Na Ngoi cách Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Sơn 60km, cách Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An 300km, rất khó khăn cho bệnh nhân đi lại để khám, chữa bệnh; công tác phối hợp giữa bệnh xá với Trung tâm y tế huyện Kỳ Sơn, Bệnh viện Quân y 4 cũng gặp không ít khó khăn. Đây là địa bàn rộng, khu vực đặc biệt khó khăn của Kỳ Sơn với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, tiềm ẩn không ít bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nh­ư: Sốt xuất huyết, sốt nhiễm virus, tiêu chảy cấp và sốt mò... Trong khi, đời sống của nhân dân còn nghèo, trình độ văn hóa thấp, phong tục tập quán lạc hậu, cơ sở hạ tầng trên địa bàn kém phát triển.

5 năm qua, bác sĩ Nguyễn Công Minh cùng với cán bộ, y sĩ, bác sĩ bệnh xá đã khám, cấp cứu, thu dung điều trị hơn 15.000 lượt bệnh nhân. Riêng bác sĩ Minh trực tiếp cấp cứu 50 lượt bệnh nhân nặng, qua cơn nguy kịch. Bác sĩ Minh nhớ lại, năm 2005, anh về bệnh xá nhận nhiệm vụ. Khi ấy, các anh gặp rất nhiều khó khăn trong khám, chữa bệnh bởi những hủ tục đã ăn sâu, bám rễ vào đồng bào; người dân địa phương cũng chưa thực sự xem trọng vấn đề sức khỏe, còn nặng mê tín dị đoan... Trước khó khăn đó, đội ngũ y sĩ, bác sĩ của bệnh xá đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 4 triển khai những chủ trương, giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đồng thời, các bác sĩ quân y trực tiếp đến tận nhà khám bệnh, cấp thuốc chữa trị cho các bệnh nhân nặng... giúp người dân tin vào khoa học, từng bước bài trừ các hủ tục tà ma. Trong khi đó, đồng bào đến với bệnh xá còn được khám, chữa bệnh không thu phí. Bệnh nhân điều trị nội trú còn được bệnh xá phục vụ suất ăn miễn phí theo chế độ tiền ăn bộ binh/ngày.

Cảm phục trước những việc làm ý nghĩa, thầm lặng của các thầy thuốc quân y đối với đồng bào nơi vùng biên, chúng tôi cũng chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các anh. Bác sĩ Nguyễn Công Minh tâm sự: “Mặc dù bệnh xá được trên quan tâm, trang bị một số thiết bị y tế khá hiện đại nhưng nhiều máy móc đã xuống cấp, ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám, chữa bệnh. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành quan tâm cấp mới để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân nơi phên giậu biên cương Tổ quốc”./.