Dư luận, chuyên gia và cả luật sư đều bày tỏ không hài lòng về hình thức kỷ luật cảnh cáo đại úy công an xã với hành động đứng nhìn tài xế taxi vật lộn với tên cướp. 
 
Phải tước danh hiệu để xây dựng lại hình ảnh người chiến sĩ công an
 
Ngày 17/5, lãnh đạo Công an Hà Nội đã chỉ đạo Công an huyện Thanh Oai ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với đại úy Nguyễn Văn Lâm - cán bộ Công an xã Cự Khê.
 
Đại úy Lâm bị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm trong việc tham gia bắt giữ nghi phạm Đặng Phạm Sáu (51 tuổi, ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) khi chứng kiến người này dùng dao đâm trọng thương tài xế taxi để cướp.
 
 
Dư luận và cả chuyên gia tội phạm học cũng cho rằng việc đại úy Lâm chỉ bị xử lý với hình thức kỷ luật cảnh cáo là quá nhẹ.
 
Phó giáo sư, tiến sĩ luật Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao) cho rằng, đại úy công an đang thực hiện nhiệm vụ của người công an nhưng khi chứng kiến người dân bị thương, cố vật lộn với tên cướp mà chỉ đứng bấm điện thoại, không lao vào bắt giữ là "không thể chấp nhận".
 
Trong trường hợp này, đại úy công an trên cần nhanh chóng lao vào khống chế tên cướp. "Bắt cướp là nhiệm vụ, trách nhiệm của công an để bảo vệ tính mạng sức khỏe cho dân. Hành động thiếu trách nhiệm của đại úy này làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người chiến sĩ công an, gây phản cảm trong dư luận xã hội, phải tước danh hiệu công an nhân dân để xây dựng lại hình ảnh người chiến sĩ công an trong mắt dân", ông Độ nêu quan điểm.
 
Theo ông, cần có một hình thức kỷ luật nặng hơn đối với chiến sĩ công an này. Thậm chí trong trường hợp nếu nạn nhân chết, đại úy này còn bị truy cứu trách nghiệm hình sự.
 
Một số người vô cảm, xã hội đang mất an toàn khi tất cả đều thờ ơ
 
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp) phân tích, từ hình ảnh video ghi lại cho thấy một một số người đã vô cảm, thiếu ý thức và trách nhiệm khi để một mình tài xế áo trắng vật lộn với tên cướp có hung khí.

Theo luật sư, nếu nghe thấy sự hô hoán của nạn nhân, những người có mặt tại hiện trường cùng áp sát không chế, tước vũ khí thì sự nguy hiểm của kẻ cướp sẽ bị giảm bớt. Tuy nhiên, một số người thấy cảnh đó nhưng coi như không có chuyện gì xảy ra, đây là thái độ rất đáng lên án, đặc biệt trong số ấy có cả chiến sĩ công an.
 
"Việc cứu giúp người bị nạn cũng cần xem xét có điều kiện giúp đỡ hay không, nếu trường hợp một mình không thể thực hiện được thì cần thông báo với nhiều người hoặc báo với cơ quan chức năng. 
 
Tuy nhiên, cũng sẽ có một số trường hợp pháp luật quy định về nghĩa vụ phải cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm, nếu không cứu giúp có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự", luật sư Cường nói.
 
Từ sự việc trên, luật sư Cường đánh giá, xã hội đang mất an toàn khi tất cả đều thờ ơ trước tình huống hoạn nạn của người khác đang phải đối mặt.
 
Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
 
1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
 
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
 
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
 
3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
 
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.