Cụ ông 81 tuổi chờ bồi thường vụ án oan gần 40 năm
Ba người đàn ông là Khổng Văn Đệ (SN 1924, trú thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), Trần Ngọc Chinh (SN 1941, trú cùng xã); Trần Trung Thám (SN 1948, em ruột ông Chinh) bị bắt giam oan, với cáo buộc giết người vào tháng 1/1980.
Nạn nhân Chu Văn Quản, Bí thư Chi bộ thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phú (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).
Ông Chinh và Đệ được trả tự do vào ngày 10/10/1982. Còn ông Thám cũng được đình chỉ điều tra bị can sau đó khoảng 1 tuần, nhưng đã chết trong quá trình bị tạm giam, vì bệnh tật.
Dù được trả tự do vào tháng 10/1982, nhưng mãi tới 37 năm sau (tháng 10/2019) những người chịu oan sai, mang tiếng giết người, mới được cơ quan công tố cải chính, xin lỗi.
Thế nhưng, cho tới hiện tại, ông Chinh và người thân ông Thám vẫn đang mòn mỏi chờ bồi thường. Bởi việc thương lượng bồi thường giữa đôi bên chưa có kết quả, 2 gia đình cụ ông đã khởi kiện đòi bồi thường.
Theo Dân trí, dự kiến ngày 1/4 tới đây, TAND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ mở lại phiên xử vụ án dân sự về việc cụ Chinh kiện VKSND tỉnh đòi bồi thường gần 12 tỷ 870 triệu đồng.
Cụ Chinh ủy quyền cho người đại diện là Nguyễn Văn Hưng (42 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Phúc). Cụ đề nghị TAND tỉnh Vĩnh Phúc buộc VKSND tỉnh bồi thường số tiền trên vì những tổn thất về thể xác, tinh thần phải gánh chịu hàng chục năm đằng đẵng.
Theo báo Pháp luật Việt Nam, gia đình ông Thám đề nghị được bồi thường 25 tỷ đồng, vụ án đang được TAND tỉnh Vĩnh Phúc thu lý giải quyết. Còn gia đình ông Đệ đã chấp nhận hơn 1,1 tỷ đồng tiền bồi thường oan sai từ Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc, sau khoảng 1 năm được xin lỗi công khai (trước đó ông Đệ đòi bồi thường 5,2 tỷ).
Cụ Chinh đau đáu vì tuổi đã già, không biết khi nào mới được nhận bồi thường. Chia sẻ trên Dân trí, cụ nói, hiện sức khỏe của mình đang giảm sút rõ rệt nên lo lắng một lúc nào đó "nằm xuống" trong khi nỗi oan cả đời chưa được bồi thường thỏa đáng.
"TAND tỉnh Vĩnh Phúc cứ chậm trễ giải quyết việc bồi thường oan sai khiến gia đình tôi cảm thấy rất ấm ức. Lúc nào tôi cũng thấy bứt rứt trong lòng, thắc mắc không hiểu vì sao Nhà nước đã giải oan, xin lỗi công khai rồi, giờ chỉ còn mỗi việc bồi thường oan sai theo luật mà việc này lại cứ dai dẳng, kéo dài như thế?", cụ nói với Dân trí vào đầu năm 2022.
Cụ luôn trăn trở, nếu chẳng may mình qua đời vì sức khỏe yếu thì "không rõ còn tiếp tục được bồi thường oan sai nữa không?".
"Nếu tôi còn sống và được Nhà nước bồi thường, tôi chia cho các con rồi mới yên lòng", người mang án oan giết người bày tỏ với nguồn trên.
Trước đó, phiên tòa dù đã ấn định ngày nhưng được tòa hoãn vì lí do kiểm sát viên mắc Covid-19.
Vụ án năm xưa: Lá thư nặc danh tố hung thủ thực sự
Ngày 28/1/1980, tại thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc (khi đó là Vĩnh Phú, chưa tách thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ), ông Chu Văn Quản, Bí thư chi bộ thôn Vạn Thắng thời điểm đó, bị sát hại.
có 4 người bị bắt sau đó. Ngoài các ông Chinh, Đệ, Thám còn ông Nguyễn Đình Ký.
Tờ Pháp luật Việt Nam thuật lại, hôm xảy ra vụ án, ông Chinh cùng nhiều người dân địa phương đã đứng ngoài theo dõi. Vài ngày sau, khi ông đang trồng lạc ngoài đồng thì công an tới đọc lệnh khởi tố, bắt giam về tội giết người. Công an còn xác định ông là kẻ chủ mưu.
Vào trại giam, ông mới biết em trai mình - Trần Trung Thám cũng bị công an bắt. Cùng với đó có ông Đệ, ông Ký.
Bất ngờ sau đó, 3 người đàn ông được minh oan nhờ lá đơn tố cáo nặc danh.
Theo lời ông Chinh, lá thư đó nêu, hung thủ thật sự của vụ án là Nguyễn Đình Ký, thời điểm đó là công an viên của xã.
Theo lời ông Chinh, Ký có gian díu với một phụ nữ cùng xã và nhiều người biết được. Ký có tới xin xác nhận của ông Chu Văn Quản, Bí thư chi bộ thôn để làm hồ sơ kết nạp Đảng. Thấy "vết nhơ" của Ký nên ông Quản không xác nhận. Ký ôm hận và ra tay sát hại ông Quản.
"Lúc thực nghiệm hiện trường, công an bảo tôi diễn lại cảnh giết người nhưng tôi nói không giết thưa cán bộ, nên một ông quát lên tống cha nó về trại"
Cụ Chinh từng chia sẻ trên Tiền phong
Đáng nói, chính người tình của Ký ban đầu có thư nặc danh tố để đổ tội cho ông Chinh, Đệ, Thám. Nạn nhân Quản tử vong với nhiều vết thương đánh vào huyệt và chỉ có người biết võ mới có thể thực hiện được việc này. Vô tình, ông Chinh là lính đặc công, em trai ông là bộ đội, đều biết võ, nên công an vin vào đó bắt cả 2 ông đi vì liên quan đến đơn tố cáo.
Giữa Ký và người tình sau đó xảy ra mâu thuẫn, rồi chính người đàn bà này lại có đơn nặc danh tố cáo Ký. Theo đó, 3 người còn lại mới được minh oan.