Xung quanh vụ việc khách hàng tố Hãng hàng không VietJet Air bán thông tin cá nhân, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thị Dần – Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
 
Liên quan đến vụ việc khách hàng tố cáo Hãng hàng không VietJet bán thông tin cá nhân cho bên thứ ba, trong bức thư phản hồi ông Ngô Nguyên Đồng (người tố cáo) ngày 21/5/2020, đại diện VietJet trả lời: “Chúng tôi xin khẳng định rằng VietJet hoàn toàn tôn trọng thông tin cá nhân của khách hàng và không có hành động tiết lộ thông tin của hành khách cho bất cứ doanh nghiệp hay cá nhân khác nhằm mục đích trục lợi nào... Hiện tại chúng tôi đã báo cáo lên bộ phận liên quan đề nghị kiểm tra hệ thống và có hướng khắc phục tốt nhất”.
 
Trong mục “chính sách bảo mật” đăng trên website VietJet Air cũng cam kết bảo mật thông tin mang tính riêng tư của khách hàng. Đồng thời “chính sách này sẽ áp dụng đối với mọi thông tin cá nhân mà quý khách cung cấp cho chúng tôi trong quá trình làm việc”, thông tin từ VietJet Air.
 
Trong thư phúc đáp mới nhất từ VietJet gửi tới ông Ngô Nguyên Đồng ngày 30/6/2020 cho biết, Hãng VietJet đã tiến hành các biện pháp nâng cao như: Rà soát lại các tài khoản truy cập vào hệ thống đặt giữ chỗ; cắt giảm hoặc phân quyền lại cho các tài khoản truy cập phù hợp chức năng; cảnh báo đến toàn bộ nhân viên. Tuy nhiên, "quá trình điều tra sự việc vẫn đang được xử lý".
 
Trao đổi với PV, Luật sư Phạm Thị Dần, nguyên Thẩm phán, Phó Chánh tòa Tòa dân sự - Tòa án nhân dân tối cao cho rằng: “Các thông tin cá nhân, trong đó có số điện thoại của người mua vé máy bay được cung cấp cho đại lý bán vé máy bay là cần thiết. Tuy nhiên, đây là thông tin cá nhân, được pháp luật bảo hộ”.
 
Tại Điều 21, Hiến pháp 2013 ngày 28/11/2013 của Quốc hội quy định: Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
 
Do vậy, số điện thoại cũng là một trong những bí mật của cá nhân. Theo luật sư Dần, khi mua vé máy bay của một hãng hàng không, tức là khách hàng đã ký hợp đồng dân sự với đại lý bán vé – bên cung cấp dịch vụ của hãng đó. Khách hàng phải cung cấp số điện thoại để đại lý bán vé liên lạc, thì việc cung cấp số điện thoại là thông tin trong giao kết hợp đồng.
 
Thông tin về số điện thoại của khách hàng mua vé được bảo vệ theo quy định của Điều 387, Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 của Quốc hội: Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp động thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác. Trong trường hợp vi phạm quy định mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
 
“Hành khách mua vé máy bay cũng được gọi là người tiêu dùng. Do đó căn cứ Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”, luật sư Dần nói.
 
Ngoài ra, theo Điều 65 (hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin người tiêu dùng), Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thông tin của người tiêu dùng không phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng mà không được người tiêu dùng đồng ý theo quy định; chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng theo quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
 
Theo đó, đối với trường hợp thông tin có liên quan là thông tin thuộc về bí mật cá nhân của người tiêu dùng, người vi phạm sẽ phải phạt tiền gấp hai lần các mức phạt quy định nêu trên, đồng thời buộc tiêu hủy tang vật vi phạm có chứa đựng thông tin người tiêu dùng.


 
Việc lộ thông tin hành khách của Hãng hàng không VietJet diễn ra từ nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Trước mỗi cuộc hành trình, hành khách đến và đi từ sân bay Nội Bài đều gặp phiền toái bởi những tin nhắn, cuộc gọi mời chào dịch vụ xe đưa đón.
 
Tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, nghiêm cấm việc mua bán thông tin cá nhân của người khác với bất kỳ mục đích gì vì vi phạm pháp luật. Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30–200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này; Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông”.
 
“Như vậy, theo quy định của pháp luật thì việc một đơn vị dịch vụ mà để lộ thông tin cá nhân của người nào đó mà mình có được cho người khác biết, không được sự đồng ý của cá nhân người có thông tin đó thì việc cung cấp thông tin đó là vi phạm các quy định của pháp luật”, luật sư Phạm Thị Dần nhấn mạnh.