Ngoại trừ Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược (SALT-I), ông Biden đóng các vai trò lớn và nhỏ trong mỗi hiệp ước vũ khí quan trọng giữa hai cường quốc hạt nhân trong 50 năm qua.
Ông Biden đã từng gặp ông Putin, khi đó ông Biden là Phó Tổng thống Mỹ và ông Putin là Thủ tướng Nga. Tuy nhiên, lần này, ông Biden sẽ gặp ông Putin khi cả 2 đều ở cương vị tổng thống.
Những kinh nghiệm lâu năm của ông Biden về Nga có thể cho thấy phần nào cách tiếp cận của ông hiện nay. Với tư cách là thượng nghị sỹ và phó tổng thống Mỹ, ông Biden từng nhiều lần được cử tới Liên Xô/Nga. Tuy không phải lúc nào cũng thành công, nhưng ông đóng vai trò hàng đầu trong việc định hình chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là việc mở rộng NATO cũng như việc đàm phán và phê chuẩn các hiệp ước vũ khí.
Dấu ấn trong các hiệp ước kiểm soát vũ khí
Ông Biden có chuyến thăm đầu tiên tới Moscow năm 1973, năm đầu tiên khi ông đắc cử thượng nghị sỹ.
Tháng 8/1979, Tổng thống Jimmy Carter đã đề nghị ông Biden dẫn đầu phái đoàn thượng nghị sỹ tới Liên Xô để thuyết phục những người đồng cấp ủng hộ thỏa thuận cắt giảm vũ khí chiến lược SALT-II. Tổng thống Carter và nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev (Tổng Bí thư) đã ký kết hiệp ước này vào tháng 6/1979 nhưng việc phê chuẩn vấp phải rào cản ở Thượng viện. Ông Biden sau đó đã có cuộc gặp với ông Brezhnev, Thủ tướng Alexei Kosygin và Bộ trưởng Quốc phòng Dmitri Ustinov
“Tôi nghĩ các khía cạnh quan hệ Mỹ-Liên Xô đang rất tốt. Nhưng cũng có một vấn đề rất thẳng thắn về mối quan hệ này, điều quan trọng là chúng ta phải thông qua thỏa thuận SALT-II trước, và điều đó sẽ cải thiện mối quan hệ song phương”, ông Biden nói khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Liên Xô khi đó.
Tuy nhiên, với việc Liên Xô đưa quân tới Afghanistan, Tổng thống Mỹ Carter đã đáp trả bằng cách không chuyển SALT-II lên Thượng viện vào tháng 1/1980.
Sau này (tháng 5/1982), Tổng thống Ronald Reagan tuyên bố Mỹ và Liên Xô sẽ bắt đầu đàm phán về một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới, hiệp ước START.
Tháng 2/1984, sau khi các cuộc đàm phán về START I đổ vỡ, ông Biden cùng Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa William Cohen đã tới Moscow để truyền tải các thông điệp riêng từ Tổng thống Reagan về “các tiếp cận mới về kiểm soát vũ khí”, theo Washington Post.
“Tôi nghi ngờ rằng ít nhất một người trong số họ (J.B.) không tin là tôi chân thành về việc muốn điều đó”, Tổng thống Reagan đã viết như vậy trong nhật ký khi ông Biden và ông Cohen tới Nga và thảo luận về vấn đề cắt giảm vũ khí.
Tháng 1/1988, ông Biden trở lại Moscow trong một chuyến thăm chính thức khác, lần này là thảo luận về việc phê duyệt Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), được ký giữa Tổng thống Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev trước đó. Sau nhiều nỗ lực, Hiệp ước chính thức có hiệu lực từ tháng 6/1988.
Sau này, Hiệp ước START I được Tổng thống Mỹ George H.W. Bush và nhà lãnh đạo Liên Xô ký tháng 7/1991.
Tháng 6/1992, trước khi START I được Thượng viện phê chuẩn, Tổng thống Bush và Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã ký bản ghi nhớ chung về START mới, hay START II.
Ông Biden đánh giá cao thỏa thuận này: “Tổng thống đã đem lại một thỏa thuận có thể là tốt nhất trong lịch sử kiểm soát vũ khí”.
Ủy ban Đối ngoại thượng viện đã phê duyệt START I sau khi ông Biden bổ sung một điều kiện yêu cầu 2 nước đàm phán về việc giám sát đầu đạn trong START II. Hiệp ước được Thượng viện chuẩn thuận vào tháng 10.
Dù vậy, tháng 12/2001, Tổng thống George W. Bush tuyên bố kế hoạch rút Mỹ khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo. Nga đáp trả bằng việc rút khỏi START II ngay trước khi hiệp ước này có hiệu lực. Năm 2002, Tổng thống Bush và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký Hiệp ước cắt giảm tiềm lực tấn công chiến lược (SORT), còn được gọi là Hiệp ước Moscow, theo đó đến năm 2012 cắt giảm 2/3 số vũ khí hạt nhân của cả 2 nước.
“Đã đến lúc nhấn nút khởi động lại”
Tháng 2/2009, ông Biden trở thành Phó Tổng thống Mỹ dưới thời chính quyền Barack Obama. Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại quan trọng đầu tiên tại Hội nghị an ninh Munich, ông đã kêu gọi mối quan hệ tốt hơn với Nga. “Đã đến lúc nhấn nút khởi động lại”, ông nói.
Tháng 8/ 2010, Tổng thống Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) chưa đầy 2 tuần sau khi tuyên bố. Hai bên đồng ký cắt giảm khoảng 1/3 kho hạt nhân. New START thay thế SORT trước khi hết hạn.
Cuối năm đó, ông Obama đã kêu gọi Thượng viện phê chuẩn hiệp ước trước cuối năm, đồng thời “đề nghị Phó Tổng thống Biden tập trung vào vấn đề này cả ngày lẫn đêm cho đến khi nó được hoàn thành”. Hiệp ước Thượng viện phê duyệt tháng 12/2010.
Cuộc gặp đầu tiên với Putin
Tháng 3/2011, ông Biden có chuyến thăm chính thức tới Nga, tiếp tục các nỗ lực của chính quyền Obama trong việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế giữa 2 nước. Ông Biden đã gặp Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin.
Khi gặp ông Putin, ông Biden đã nói: “Thủ tướng, khi tôi nhìn vào mắt ông, tôi không nghĩ rằng ông có một linh hồn (năm 2001, Tổng thống George W. Bush nói rằng ông đã nhìn vào mắt ông Putin và thấy linh hồn của ông Putin).
Theo lời kể của ông Biden, ông Putin đã đáp lại rằng: “Chúng ta rất hiểu nhau”.
Năm 2014, quan hệ giữa Nga và Mỹ trở nên gay gắt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Ông Biden là tiếng nói có ảnh hưởng trong việc duy trì viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine. Ông đã có vài chuyến thăm tới Ukraine suốt năm 2014 và vận động các nước châu Âu khác ủng hộ Ukraine đối phó với Nga.
Tháng 10/2020, trong một cuộc phỏng vấn trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Biden nói: “Tôi nghĩ mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ lúc này liên quan tới việc phá vỡ - an ninh và liên minh của chúng ta, chính là Nga”.
Dù vây, là một người ủng hộ các hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga, tháng 2/2021 ngay sau khi chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Biden đã đạt thỏa thuận với người đồng cấp Nga Putin về việc gia hạn New START thêm 5 năm./.