Kính gửi Thiếu tướng Võ Trọng Hải - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An!

Tóm tắt vụ việc: 


Vào tháng 4/2020, bà Trần Thị Linh (trú xã Nghĩa Hiếu - Nghĩa Đàn - Nghệ An) viết đơn gửi Công an huyện Nghĩa Đàn tố giác bà Nguyễn Thị Thương trú xã Nghĩa Hiếu - công nhân Nhà máy sữa TH True Milk lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn.

Theo đơn, vào năm 2019, bà Thương nói với bà Linh là cần tiền mua ngô để nhập cho Công ty TH, với lợi nhuận cao. Tin lời, bà Linh đi vay mượn gần 1,5 tỉ đồng đưa cho bà Thương. Thương hứa sau khi TH chuyển tiền sẽ thanh toán tiền gốc và chia lợi nhuận, nhưng khất lần mãi cho đến nay, chỉ trả 65 triệu. Bà Linh đến TH hỏi, thì được biết TH không ký hợp đồng mua bán ngô gì với và Thương cả; và bà Thương đã bị sa thải do giả mạo hồ sơ.

Ngày 14.5.2020, Công an huyện Nghĩa Đàn có văn bản 129, thông báo kết quả vụ việc không có dấu hiệu hình sự, nên đã ra quyết định không khởi tố vụ án.
 





Sau đó, có 3 người khác tiếp tục tố cáo bà Thương về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cách thức họ bị mất tiền cũng y như bà Linh. Đó là: bà Võ Thị Mỹ Nghệ (xã Minh Hợp - Quỳ Hợp - Nghệ An), bà Nguyễn Thị Ngọt (xã Nghĩa Yên - Nghĩa Đàn - Nghệ An và bà Lê Thị Phương (xã Càn Khê - Như Thanh - Thanh Hóa).

Bà Võ Thị Mỹ Nghệ đã “hùn” 2,682 tỉ đồng cho Thương, bà Trần Thị Linh “hùn” 1,485 tỉ đồng; bà Nguyễn Thị Ngọt “hùn” 1,09 tỉ; bà Lê Thị Phương “hùn” 260 triệu đồng để Thương “mua ngô bán cho TH”. Tổng số tiền 4 người đã đưa, chuyển cho bà Nguyễn Thị Thương là 5,517 tỉ đồng. Bà Thương hứa sau khi phía đơn vị mua ngô chuyển tiền thì sẽ thanh toán, tuy nhiên sau đó cứ kéo dài thời gian không trả.

4 người nói trên tiếp tục viết đơn tố cáo, ngày 4.12.2020, Công an huyện Nghĩa Đàn có văn bản 288, thông báo tạm đình chỉ việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm. Lý do, cơ quan này đã gửi công văn cho Công ty CP tập đoàn Tân Long (địa chỉ tại Hà Nội) và Phòng CGST Công an tỉnh Nghệ An đề nghị cung cấp thông tin, xác minh một số nội dung liên quan, nhưng hai đơn vị nói trên chưa có văn bản trả lời.

Điều đáng nói là kể từ thời điểm gửi văn bản cho các đơn vị đề nghị xác minh thông tin (ngày 25.11.2020), đến thời điểm Công an huyện Nghĩa Đàn ra văn bản thông báo tạm đình chỉ việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm (ngày 4.12.2020) chỉ có 10 ngày.

Đến nay, vụ việc chưa có gì chuyển biến. 4 bà thì khốn khổ vì nợ nần chồng chất, gia đình lục đục, căng thẳng.

Rất lạ với luật Việt Nam, cơ quan công an gửi văn bản yêu cầu cung cấp, xác minh thông tin để giải quyết tin tố giác tội phạm, đơn vị chưa trả lời, thì cũng không sao, và công an lại ra văn bản tạm đình chỉ vụ việc. Nghĩa là họ thích thì trả lời, không thì thôi, công an cũng bó tay, và nạn nhân thì cứ mỏi mòn chờ?

Nhà nước ban hành luật, cùng với hệ thống cơ quan chức năng thực thi, phải đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực, chặt chẽ, thông suốt, triệt để, cùng với các quy định và hệ thống chế tài cụ thể. Thế nhưng, khi cơ quan, tổ chức không chấp hành yêu cầu của cảnh sát điều tra, lại không có chế tài gì cả?

Trong trường hợp này, cơ quan cảnh sát điều tra cần có văn bản thúc giục, hoặc cử cán bộ đến làm việc trực tiếp, lập biên bản; hoặc báo cáo cấp trên đề nghị hỗ trợ. Thế nhưng, chỉ trong vòng 10 ngày, chưa thấy đối tượng phản hồi, Công an huyện Nghĩa Đàn đã ra văn bản tạm đình chỉ vụ việc. Việc đúng/sai, nhanh/chậm trong giải quyết vụ việc này có thể gây ra nhiều hậu quả, hệ lụy rất lớn, có thể xảy ra tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm; gây bức xúc cho dân.

Kiến nghị:


Kiến nghị Thiếu tướng Võ Trọng Hải - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An chỉ đạo Công an huyện Nghĩa Đàn nhanh chóng điều tra, xác minh, kết luận vụ việc, tránh kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy; xác minh, làm rõ có hay không một số cán bộ cố tình dây dưa, kéo dài thời gian giải quyết vụ việc? Nếu vụ việc vượt quá khả năng, thì báo cáo, chuyển Công an tỉnh điều tra, giải quyết.

P/s: Dân mất tiền đã khổ lắm rồi, đừng để họ mất thêm... niềm tin.
 








Bình luận CDM