Ngày 25/11 tới, CTCP Dịch vụ Hàng không sân bay Nội Bài (Nasco, UPCoM: NAS) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để bàn về phương án chào bán cổ phiếu NCT của CTCP Dịch vụ Hàng hoá Nội Bài.
Theo Nasco, công ty hoạt động trong lĩnh vực cung ứng một số dịch vụ trong dây chuyền vận tải hàng không như dịch vụ phòng khách hạng thương gia, vận chuyển khách trong sân đỗ tàu bay, dịch vụ ăn uống giải khát cho khách đi máy bay.
Giai đoạn 2017-2019, sau thời gian cơ cấu lại một số ngành nghề kinh doanh kém hiệu quả, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường vận tải hàng không, kết quả kinh doanh của Nasco đã có nhiều cải thiện, trong đó nguồn thu cổ tức từ NCT đã đóng góp phần không nhỏ vào hiệu quả chung.
Tuy nhiên, giai đoạn 2020-2022, do đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu nên tình hình kinh doanh và hiệu quả hoạt động của công ty đã sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt năm 2021, hoạt động kinh doanh của công ty nhiều giai đoạn gần như bị ngưng trệ, tổng doanh thu năm 2021 chỉ đạt 119 tỷ đồng và lỗ tới gần 81 tỷ đồng (trong đó lỗ do trích lập dự phòng giảm giá khoản đầu tư vào các công ty như Nasco Logistics, VSSI và trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi 45 tỷ đồng, lỗ hoạt động kinh doanh gần 35 tỷ đồng.
Việc này đã ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu tài chính và dòng tiền của công ty. Tính đến 31/12/2021, nguồn vốn chủ sở hữu của Nasco giảm 81 tỷ so đầu kỳ và hệ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu là 3,7 lần.
Năm 2022, thị trường vận tải hàng không có sự phục hồi, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty được cải thiện. Tuy nhiên do thị trường quốc tế phục hồi chậm và ảnh hưởng của xung đột chính trị Nga - Ukraina giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát toàn cầu nên nguồn thu của công ty chưa đủ bù đắp lỗ luỹ kế các năm trước đây. Do đó, Nasco cho rằng cần thiết phải tìm giải pháp tài chính để bổ sung dòng tiền, ổn định hoạt động.
Do thực trạng tài chính của Nasco, thời gian qua công ty đã làm việc với các ngân hàng để huy động vốn. Tuy nhiên, số dư nợ vay đến thời điểm 30/9/2022 đã lên tới 148 tỷ đồng. Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu đã ở mức rất cao (4,03 lần) với hệ số khả năng thanh toán hiện hành là 0,64 lần, việc tiếp tục vay nợ ngân hàng trong điều kiện kinh doanh hiệu quả chưa cao và dư nợ vay cao là hết sức khó khăn.
Mặt khác, nhu cầu nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và hoạt động đầu tư của công ty giai đoạn 2022 - 2024 là 226 tỷ đồng nên công ty cần có nguồn vốn đề đáp ứng nhu cầu phục vụ kinh doanh và đầu tư phát triển.
Do đó, Nasco đề xuất giải pháp bán một phần số cổ phần hiện đang nắm giữ tại NCT để cải thiện tình hình, đảm bảo nguồn vốn, dòng tiền đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo, cải thiện các chỉ số trên báo cáo tài chính, giữ uy tín với các tổ chức tín dụng khi có nhu cầu huy động vốn vay.
Cụ thể, Nasco đề nghị chuyển nhượng 1 triệu cổ phần, tương đương 3,82% vốn điều lệ của NCT. Nếu giao dịch thành công, Nasco sẽ giảm sở hữu tại NCT xuống 827.649 cổ phần, chiếm 3,16% vốn.
Nguyên tắc xác định giá là không thấp hơn 74.151 đồng/ và không thấp hơn giá tham chiếu bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán. Thời gian đấu giá dự kiến trong năm 2022, năm 2023 sau khi có sự chấp thuận của UBCKNN.
Theo Nasco, giá tham chiếu của cổ phiếu NCT trong 30 phiên gần nhất trên sàn HOSE tương đối ổn định và giao động trong khoảng từ 86.000 đồng/cp đến 90.000 đồng/cp. Vì vậy Nasco dự kiến thu về gần 90 tỷ đồng, giúp công ty có khoản thu nhập tài chính đáng kể để cải thiện kết quả kinh doanh và bổ sung dòng cho nhu cầu sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tới.
Trong khi đó, tình hình kinh doanh của NCT liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch, đơn cử như lợi nhuận trước thuế năm 2021 của NCT lên tới 281 tỷ đồng, cổ tức 83%; lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 213 tỷ đồng.
Theo Nasco, với các chỉ số tài chính rất ấn tượng của NCT và tình hình chung của thị trường chứng khoán hiện nay thì việc thoái vốn tại NCT là khả thi./.