Luật sư cho rằng "có thể làm gia tăng tham nhũng và tham nhũng lớn"
Tại Hội nghị phòng Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí kiến nghị nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.
Theo ông Trí, làm như vậy chúng ta sẽ "thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để họ không bị xử lý hình sự nữa và chúng ta cũng không phải xử lý hình sự nhiều. Cách làm này vừa hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vừa nhân văn và thuyết phục".
Trao đổi với Dân Việt, Tiến sĩ Lưu Hoài Bảo, Đại học Luật Hà Nội đánh giá, thu hồi tài sản thông qua thủ tục dân sự là một trong 4 phương thức thu hồi tài sản phổ biến trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, nó "chưa phù hợp các quy định pháp luật và điều kiện Việt Nam hiện nay".
Ba phương pháp khác thu hồi tài sản còn lại gồm: Thông qua hình thức kết án; thu hồi tài sản không qua hình thức kết tội; thu hồi tài sản thông qua thủ tục hành chính.
Do vậy, cần tùy vào từng trường hợp để "áp dụng linh hoạt chứ không phải khuyến khích xử lý tham nhũng thông qua thủ tục dân sự". Lý do, trong Bộ luật Hình sự 2015 cũng có quy định: "Giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý khi tự nguyên khắc phục hậu quả và trả lại tài sản tham nhũng".
Theo Tiến sĩ Bảo, Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng có quy định khởi kiện nhưng chỉ áp dụng trong một số trường hợp. Ví dụ, chủ thể bị thiệt hại từ hành vi tham nhũng (thể nhân, pháp nhân hoặc Nhà nước) sẽ thông qua một vụ kiện dân sự tại tòa án để xác lập quyền sở hữu đối với tài sản được cho là do phạm tội mà có nhằm đòi lại.
Kiện dân sự thường được sử dụng khi không có khả năng thu hồi tài sản thông qua hình thức kết án, không thể thu hồi tài sản thông qua biện pháp thu hồi không kết án hoặc không thể sử dụng tương trợ tư pháp để thi hành lệnh tịch thu.
Ở nước ta, nếu áp dụng biện pháp "kiện đòi tài sản tham nhũng" sẽ phải điều chỉnh hệ thống pháp luật theo hướng chặt chẽ, hoàn thiện hơn và cũng chỉ áp dụng trong một số trường hợp", Tiến sĩ Bảo nói.
Ông Bảo cho rằng, khởi kiện đòi tiền thất thoát giúp nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng nhưng có thể "làm gia tăng tham nhũng và tham nhũng lớn, bởi khi đó, các chủ thể sẵn sàng tham nhũng càng lớn hơn rồi nộp lại tài sản để trốn tránh trách nhiệm hình sự".
Như các vụ án liên quan Việt Á ở 63 tỉnh, thành, 3 bộ, nếu hàng trăm người nhận hối lộ, vi phạm đấu thầu đồng loạt trả tiền để không bị xử lý hình sự sẽ "không ổn bởi trách nhiệm pháp lý cần được thực thi căn cứ vào vi phạm cụ thể, sai đến đâu xử đến đó".
Tránh tâm lý "đằng nào cũng chết"
Luật sư Bùi Phan Anh (Công ty Luật Sen Vàng) cho rằng, quy định "kiện quan tham đòi tiền tham nhũng" sẽ phải xây dựng sao cho không ai mắc vào một trong 2 tâm lý gồm "tiêu trước, đền sau" hoặc "đằng nào cũng chết".
Trạng thái tâm lý thứ nhất, người tham nhũng có thể nghĩ rằng: "Cứ tiêu tiền đi, không sợ vào tù, có gì sẽ ra tòa dân sự bồi thường rồi lại về làm "dân vạn đại"".
Tình trạng thứ 2, nếu chỉ chú ý phạt tù, không tạo điều kiện cho "tham quan" khắc phục hậu quả, họ có thể kiên quyết không bồi thường để "hy sinh đời bố, củng cố đời con, đưa tài sản ra nước ngoài hoặc cho người thân đứng tên".
Để khắc phục cả 2 tình trạng trên, luật sư Bùi Phan Anh cho rằng chỉ nên áp dụng việc khởi kiện cho một số trường hợp tham nhũng cụ thể. Đầu tiên, với các tội chiếm đoạt tài sản cố ý như tham ô, nhận hối lộ sẽ "không nên áp dụng, cứ như hiện nay là tốt khi người nhận hối lộ nếu nộp tiền sẽ không bị tử hình".
Tiếp theo, với các trường hợp tham nhũng, gây thất thoát nhưng không hưởng lợi, nên tạo điều kiện cho họ khắc phục hậu quả. Ví dụ với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cần xem xét quá trình người vi phạm mắc "lỗi vô ý do quá tự tin hoặc do cẩu thả" để khởi kiện hoặc phạt tù; không nên "áp dụng cứng quy định quân thua chém tướng" bởi gây tâm lý không dám làm, không dám quyết cho cán bộ, lãnh đạo.
Tuy vậy, luật sư Bùi Phan Anh cho rằng trở ngại lớn khi "khởi kiện đòi tiền tham nhũng" ở chỗ phụ thuộc điều kiện kinh tế của người vi phạm. Ngay cả khi người này có tiền, họ chưa chắc dám bỏ ra bồi thường một khoản quá lớn.
Luật sư Anh phân tích: "Một người không chiếm đoạt tài sản nhưng vi phạm các quy định về kinh tế, phải bồi thường hàng chục, hàng trăm tỷ đồng không phải chuyện hiếm. Nếu họ chủ động hoặc được gia đình, bạn bè giúp bồi thường, sẽ nảy sinh câu chuyện số tiền đó từ đâu mà có, bất minh hay không? Có dấu hiệu trốn thuế không? Những ai muốn bồi thường để không bị đi tù chắc chắn sẽ suy nghĩ những câu hỏi này"./.