Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, năm 2022, Ban Chỉ đạo đề ra 8 nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là tăng cường đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, gắn với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện từng nhiệm vụ cải cách hành chính được giao. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật kỷ cương hành chính, tham nhũng, tiêu cực và gây phiền hà cho nhân dân. Thường xuyên theo dõi, đánh giá và khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, làm cơ sở cho việc ban hành các biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.
Nhiệm vụ thứ hai được Ban Chỉ đạo đề ra là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện thể chế, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung ngay các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh để kịp thời khơi thông và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thực hiện nhanh quá trình phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đồng bộ, khả thi; ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết. Rà soát, sớm phát hiện và có biện pháp khắc phục các quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển.
Nhiệm vụ thứ ba là đẩy mạnh rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý, gắn kết chặt chẽ với thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về hoạt động kinh doanh theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản khác có liên quan. Tăng cường phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến bằng dữ liệu theo thời gian thực.
Nhiệm vụ thứ tư là khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Sớm ban hành theo thẩm quyền các thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện. Hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các văn bản hướng dẫn thi hành. Triển khai nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các nội dung tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Xây dựng chương trình tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2022 - 2026.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, một nhiệm vụ khác được Ban Chỉ đạo nhấn mạnh thực hiện trong năm 2022 là ban hành Thông tư hướng dẫn về xác định vị trí việc làm và định mức biên chế công chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP của Chính phủ; ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, ban hành quyết định quy định về vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức trực thuộc; hoàn thành chậm nhất là trong thời gian 3 tháng kể từ khi thông tư hướng dẫn của bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành có hiệu lực thi hành.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ; tham mưu cho Đảng và Nhà nước có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.
Ban Chỉ đạo cũng đề ra nhiệm vụ tổ chức triển khai có hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính tại cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập để tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Các bộ, cơ quan, địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý phục vụ triển khai các nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Hoàn thiện việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Nghiên cứu xây dựng dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi); xây dựng các nghị định quy định về định danh, xác thực điện tử,... Hoàn thiện, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số.
Các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; thực hiện đồng bộ, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đủ điều kiện ngay trong năm 2022 để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng Dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương, tích hợp, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Xây dựng, phát triển hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thời gian thực, có các công cụ phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số; đồng thời tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ trong Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Các bộ, cơ quan được Chính phủ phân công chủ trì xây dựng các đề án về cải cách hành chính quy mô quốc gia tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 triển khai nghiên cứu, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để xây dựng và phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án, bảo đảm tiến độ và chất lượng theo quy định; bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả các đề án sau khi được phê duyệt./.