Nỗ lực cải thiện khả năng tác chiến sau khi bị “vượt mặt”
Từng là lực lượng không quân hàng đầu không thể tranh cãi trong thế giới Arab, do các quyết định chính trị của chính quyền Tổng thống Anwar Sadat, sức mạnh Không quân Ai Cập đã sụt giảm nghiêm trọng từ giữa những năm 1970 và bị không quân tất cả các nước láng giềng ở Bắc và Đông Phi cũng như Trung Đông vượt mặt.
Ai Cập bắt đầu nhận máy bay Mirage 2000 (Pháp) đầu tiên vào năm 1985, một phi đội gồm 14 máy bay chiến đấu đã đi vào hoạt động cuối năm 1986. Không quân Ai Cập đã mua tổng cộng 17 chiếc, tạo thành một phi đội nhỏ duy nhất như một phần của hợp đồng mua một lần, khiến quốc gia này trở thành khách hàng khiêm tốn nhất của Mirage 2000. Quyết định của Ai Cập không mua thêm Mirage 2000 được cho là phần lớn được thúc đẩy bởi thực tế rằng F-16 là loại máy bay rẻ hơn và được cung cấp miễn phí như một phần trong khoản viện trợ hàng năm của Mỹ cho nước này.
Trong khi F-16 thường được coi là một máy bay chiến đấu có khả năng hơn, những chiếc chuyển cho Ai Cập đã xuống cấp rất nhiều với hệ thống điện tử kém và không được cập nhật bằng các loại vũ khí hiện đại cho các vai trò không đối không hoặc tấn công.
Đến đầu những năm 2010, khi tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar chủ động được sử dụng rộng rãi trong hơn ba thập kỷ, tất cả các nước láng giềng đều sử dụng tên lửa hiện đại hơn nhiều như AIM-120 của Mỹ, R-40 của Liên Xô và R-77 của Nga, toàn bộ phi đội máy bay chiến đấu của Ai Cập vẫn dựa vào các tên lửa dẫn đường bằng radar bán chủ động cũ như AIM-7 Sparrow của Mỹ với các biện pháp đối phó tác chiến điện tử hoàn toàn lỗi thời.
Không những vậy, các máy bay chiến đấu F-16 vốn là xương sống của Không quân Ai Cập đã bị xuống cấp nghiêm trọng và bất lực trong vai trò không đối không hoặc không đối đất khi chống lại bất kỳ đối thủ nào có khả năng trung bình. Nước này bị cấm mua bất kỳ máy bay chiến đấu nào cao cấp hơn F-16.
Từ năm 2013, Không quân Ai Cập đã đầu tư rất nhiều vào việc cách mạng hóa khả năng tác chiến trên không của mình, sau khi chính phủ Hồi giáo do phương Tây hậu thuẫn bị lật đổ. Cuộc tấn công bất ngờ của NATO nhằm vào nước láng giềng Libya, vốn đã duy trì mối quan hệ tốt với Phương Tây nhưng vẫn là mục tiêu tấn công, khiến cả Ai Cập và Algeria đều tập trung cao độ vào việc hiện đại hóa khả năng tác chiến trên không để ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự.
Khách hàng lớn của chiến đấu cơ Nga
Với đợt mua hàng đầu tiên, Ai Cập có được 46 máy bay chiến đấu hạng trung MiG-29M, cùng hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300V4 và các hệ thống tầm trung và tầm ngắn bổ sung BuK-M2 và Tor-M2. MiG-29M trở thành máy bay chiến đấu đầu tiên của Ai Cập triển khai tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar chủ động, với kinh phí 2 tỷ USD bao gồm 300 quả tên lửa R-77 - tương đương với AIM-120C của Mỹ - và 300 quả tên lửa R-73 tầm ngắn, điều khiển bằng hồng ngoại.
R-73 cũng là một sự mua sắm mang tính cách mạng, vì nó cho phép các chiến đấu cơ Ai Cập tham gia các cuộc không chiến tầm gần với khả năng nhắm mục tiêu đối phương ở những góc cực hẹp, theo cách mà các lực lượng không quân hiện đại chú trọng hướng đến trong hơn ba thập kỷ qua.
MiG-29M đại diện cho sự lặp lại triệt để và đầy tham vọng nhất của MiG-29 với khung máy bay được thiết kế lại. Tuổi thọ của nó được tăng lên 4.000 giờ, việc bảo trì được thực hiện dễ dàng hơn và động cơ RD-33MK mới mang lại hiệu suất bay vượt trội so với nguyên bản. Việc tích hợp radar Zhuk-ME mang lại khả năng nhận biết tình huống tốt hơn nhiều so với các máy bay chiến đấu trước đây của Ai Cập, trong khi thiết bị gây nhiễu chủ động MSP-418K được chế tạo để đánh lừa tên lửa dẫn đường bằng radar cung cấp khả năng tác chiến điện tử hiện đại đầu tiên cho máy bay chiến đấu Ai Cập.
Máy bay này cũng mang tính cách mạng về khả năng không đối đất, với bệ phóng dạng tang trống T220/e cho phép tăng độ chính xác các cuộc tấn công không đối đất và tên lửa hành trình Kh-35 cung cấp khả năng phòng thủ. Sẽ không quá lời khi nói, 46 chiếc MiG-29M có ưu thế tác chiến trên không hơn 200 chiếc F-16 nếu xét đến sự khác biệt về vũ khí trang bị và độ tinh vi. Điều này còn chưa tính đến việc Ai Cập không được phép sử dụng F-16 cho các hoạt động không được Mỹ chấp thuận - điều càng nâng cao lợi thế của MiG-29M.
Ai Cập đã trở thành khách hàng lớn đầu tiên mua các máy bay chiến đấu hiện đại của Nga không tích hợp tên lửa không đối không tầm xa R-27 - loại tên lửa rẻ hơn R-77 và thường được bán riêng lẻ hoặc cùng với nó như một phần của các hợp đồng lớn về máy bay chiến đấu. Việc trang bị R-77 đã cho thấy sự đánh giá cao khả năng tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động.
Đáng chú ý, Ai Cập đã tiếp tục đặt hàng khoảng 24 máy bay chiến đấu giành ưu thế trên không hạng nặng Su-35. Nếu MiG-29M đại diện cho giai đoạn hiện đại hóa mới nhất của MiG-29A cuối thời Chiến tranh Lạnh, Su-35 là sự hiện đại hóa của đối tác nặng hơn và cao cấp hơn của MiG là Su-27 mà ban đầu được phát triển dưới tên gọi Su-27M.
Hợp đồng Su-35 bao gồm nhiều tên lửa R-77 và R-73 hơn, và có thể bao gồm cả tên lửa R-37M, tên lửa kế thừa tầm xa hơn của R-77, nhanh hơn và có thể bắn xa hơn nhiều so với bất kỳ tên lửa nào của máy bay phương Tây. Dự kiến sẽ có ít nhất 200 quả R-77 và R-37M đi cùng thỏa thuận, vì khả năng mang tên lửa đất đối không của Su-35 gấp đôi so với MiG-29M với 14 tên lửa. Phi đội Su-35 của Ai Cập được coi là có năng lực nhất ở châu Phi, hay thế giới Arab.
Từ năm 2013, Ai Cập cũng đầu tư vào việc hiện đại hóa mạng lưới phòng không trên bộ đã lỗi thời của mình bằng các hệ thống hiện đại với S-300V4 được coi là hệ thống đa nhiệm uy lực nhất trên thế giới và đắt nhất do Nga cung cấp, được phát triển dựa trên các công nghệ của S-400 nhưng cũ hơn và rẻ hơn, có tính cơ động cao hơn và khả năng chống tên lửa vượt trội. Chỉ riêng S-300V4 đã cách mạng hóa hệ thống phòng không trân mặt đất của Ai Cập nếu so với các nước Arab láng giềng có thu nhập thấp như Syria, Ma Rốc và Jordan, biến Ai Cập thành nước đi đầu trong lĩnh vực này.
Được kết hợp với BuK-M2 và Tor-M2 để tạo thành một hệ thống phòng thủ mạnh, S-300V4 cung cấp khả năng bảo vệ hiệu quả hơn trước các cuộc tấn công của đối phương - có thể đánh chặn các máy bay và tên lửa siêu thanh, và nếu được trang bị tên lửa 40N6E, nó có tầm bắn 400 km - gấp đôi so với các đối thủ tiên tiến nhất từ Phương Tây của nó.
Ai Cập dự kiến sẽ mua thêm máy bay chiến đấu của Nga sử dụng tên lửa R-77 hoặc R-37M, họ có thể bổ sung thêm các chiến đấu cơ MiG-29M hoặc Su-35, hoặc có thể là một trong những người kế nhiệm hiện đại hơn của chúng như MiG-35, Checkmate hoặc Su-57. Vẫn có khả năng Ai Cập sẽ mua máy bay chiến đấu hoặc hệ thống phòng không hiện đại của phương Tây từ một nguồn khác ngoài Nga, chẳng hạn như J-10C của Trung Quốc trang bị tên lửa không đối không PL-15 hoặc JF-17 Block 3 rẻ hơn với khả năng tương tự.
Các khoản đầu tư của Ai Cập đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi phi đội của họ trong một thời gian rất ngắn từ một kẻ tụt hậu trong chiến tranh trên không, rất dễ bị tấn công và bị các nước láng giềng vượt mặt, thành một trong những quốc gia được bảo vệ tốt nhất ở châu Phi và Trung Đông, giảm thiểu khả năng nước này có thể chịu chung số phận như Libya dưới bàn tay của NATO hoặc các đồng minh./.