Vẫn còn tình trạng mỗi địa phương một phách
Ông Phạm Văn Tải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vận tải bộ Tân Cảng cho hay, quy định phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ cần làm nghiêm túc. Tuy nhiên, một số địa phương trong quá trình triển khai lại có những biện pháp phòng, chống dịch cứng nhắc, không xét đến điều kiện thực tế của doanh nghiệp, khiến sản lượng vận chuyển giảm, người lao động không có việc.
Theo ông Tải, quy định về giãn cách, cách ly, xét nghiệm y tế của một số địa phương đang gây khó cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa. Doanh nghiệp bị “bó chân, bó tay” không xoay sở được.
Đơn cử, tỉnh Đồng Nai không cho phép phương tiện chở người ra vào nhưng yêu cầu cách lý 21 ngày với người đến từ vùng có dịch. Tỉnh này cũng yêu cầu lái xe từ địa phương khác phải có giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính. Tuy nhiên, việc quản lý giấy xét nghiệm lại không hiệu quả. Thời hạn của giấy là 7 ngày, lái xe đi nhiều nơi khác, ngày thứ 7 quay lại vẫn được vào tỉnh.
"Thời gian đó, lái xe có thể tiếp xúc với người có bệnh nên giấy xét nghiêm không còn ý nghĩa. Bất cập như vậy, nhưng để có việc làm doanh nghiệp vẫn phải bỏ tiền làm xét nghiệm cho lái xe", ông Tải nói.
Cũng theo ông Tải, dịch Covid-19 khiến nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp đóng cửa, làm giảm sản lượng vận chuyển, người lao động mất việc. Nhiều hợp đồng đã được ký kết nhưng bất ngờ có ca dương tính, cả khu vực bị phong toả, giãn cách là bể đơn hàng. Trong khi đó, xe không chạy nhưng nhiều chi phí doanh nghiệp vẫn phải chi trả.
Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Delta - một doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ logistics cho biết, dịch Covid-19 bùng phát khiến doanh nghiệp lao đao. Ước tính, doanh thu của các doanh nghiệp vận tải đường bộ và dịch vụ logistics bị sụt giảm khoảng từ 20-30%.
Theo ông Nghĩa, cách quản lý giấy xét nghiệm y tế của các tỉnh khác nhau khiến doanh nghiệp gặp khó, nhất là về chi phí. Đơn cử, khi dịch bùng phát, tỉnh Bắc Ninh chấp nhận giấy xét nghiệm nhanh, có hiệu lực trong vòng 3 ngày với chi phí từ 250.000 - 300.000 đồng. Tuy nhiên, một số tỉnh lại yêu cầu phải có xét nghiệm PCR chi phí đắt gấp 2 - 3 lần. Thời gian hiệu lực đối với xét nghiệm PCR cũng khác nhau, có tỉnh 5 ngày, tỉnh 7 ngày, nhưng có tỉnh chỉ 3 ngày. Mất 2 ngày chờ đợi, đến tay lái xe hiệu lực chỉ còn 1 ngày.
"Một số tỉnh như: Bắc Giang, Bắc Ninh cho xe ra vào với điều kiện chỉ phải khai báo y tế, nhưng về Hải Phòng lại yêu cầu cách ly 21 ngày", ông Nghĩa nêu.
Điều tiết tốt hoạt động vận tải
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, qua nắm tình hình hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa tại các tỉnh, thành phố cho thấy, các Sở GTVT đều cho phép vận tải hàng hóa, vận tải hành khách nội tỉnh được hoạt động bình thường và phải đảm bảo công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã tạm dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh. Một số tỉnh tạm dừng vận tải hành khách tại nơi có dịch đi đến các tỉnh khác.
Thực tế, việc tổ chức vận tải để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 tại một số tỉnh có dịch không giống nhau, thiếu đồng nhất, khiến cho các tỉnh đối lưu khó khăn trong tổ chức các tuyến vận tải liên tỉnh liên quan. Nhiều tỉnh tại thời điểm không có ca bệnh nhưng cũng ngừng rất nhiều tuyến vận tải liên tỉnh.
Do đặc thù ngành nghề vận tải đường bộ hoạt động rộng, người điều khiển phương tiện di chuyển qua nhiều tỉnh thành, việc kiểm soát hành khách đi qua vùng dịch hoặc từ vùng dịch còn gặp nhiều khó khăn do chỉ dựa vào khai báo của hành khách.
Bà Phan Thị Thu Hiền cũng cho biết, Tổng cục Đường bộ VN đã có hướng dẫn hoạt động vận tải hàng hóa vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 vừa hỗ trợ lưu thông hàng hóa. Tổng cục cũng yêu cầu các Sở GTVT hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách vận chuyển công nhân, người lao động từ nơi cư trú đến các khu công nghiệp theo quy định.
"Tổng cục cũng kiến nghị Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covd-19 chỉ đạo các Sở GTVT theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại các địa phương để có phương án điều tiết hoạt động vận tải hành khách, nhất là vận tải hàng hóa, không để tái diễn tình trạng “ngăn sông cấm chợ”. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch đối với người điều khiển phương tiện và hành khách đi trên các phương tiện vận tải", bà Hiền nói.
Ban chỉ đạo quốc gia cũng cần có quy định rõ vùng có dịch và cơ quan nào công bố vùng có dịch để thống nhất việc dừng toàn bộ hoặc một phần hoạt động vận tải hành khách. Bên cạnh đó, cơ quan y tế cần ưu tiên xét nghiệm và tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ để kịp thời tổ chức hoạt động vận tải liên tỉnh. Sau khi có khai báo y tế của mỗi chuyến xe, lái xe, cơ quan y tế tiếp nhận rà soát ngay để kịp thời xử lý các trường hợp nghi ngờ.