Sự việc được bắt đầu khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 kết thúc, một số giáo viên phản ánh có sự giống nhau đến kỳ lạ giữa đề thi chính thức môn Sinh học và nội dung ôn tập trước ngày thi của ông Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh. Bộ GD&ĐT đã phải thành lập tổ công tác để xác minh vụ việc.

Theo tài liệu mà PV Tiền Phong có được, kết luận của bộ phận xác minh trong tổ công tác này cho thấy qua đánh giá các câu hỏi trong 4 mã đề thô xuất, các câu hỏi trong các mã đề này đều trùng nhau theo thứ tự các câu hỏi tương ứng; có sự khác biệt hẳn với các câu hỏi trong 12 mã đề không được chọn. Đây là điều bất thường vì nếu tổ hợp đề được chọn ngẫu nhiên từ máy tính không thể có hiện tượng này.

img-3199-2087-1655082940.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: Nghiêm Huê

Tuy nhiên, kết quả này không được Bộ GD&ĐT công bố công khai. Đến tháng 12/2021, dư luận một lần nữa lại đặt câu hỏi về cách xử lý của Bộ GD&ĐT về vấn đề này. Khi đó, Bộ GD&ĐT cho biết bước đầu ghi nhận có kẽ hở trong quy trình ra đề thi tạo cơ hội cho một số cá nhân khai thác. Quan điểm của Bộ là vấn đề này liên quan đến yếu tố quy trình, con người… nên việc kiểm tra và xử lí phải thận trọng. Do vậy, thời điểm đó, Bộ chưa thể cung cấp ngay và đầy đủ thông tin cho truyền thông. Các cơ quan liên quan vẫn đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về vụ việc. Khi có đầy đủ hồ sơ, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an sẽ gửi thông tin đến nhân dân một cách chính xác, đầy đủ và sớm nhất.

Sau Quyết định khởi tố của Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ GD&ĐT đã phát đi thông báo cho biết hiện Bộ đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Mất bò chưa lo làm chuồng

Ông Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI, người đã có đơn kiến nghị gửi đến Bộ GD&ĐT về việc xem xét đề môn Sinh, cũng đã đề nghị Bộ rà soát lại toàn bộ quy trình xây dựng đề thi trong một vài năm trở lại đây để tìm hiểu những lỗ hổng bảo mật (quy trình xây dựng các câu trắc nghiệm, thử nghiệm, chỉnh sửa, phân tích trắc nghiệm, ghép thành đề thi) để ban hành quy định ra đề chặt chẽ.

Đồng thời, cần tuyển chọn kỹ những người ra đề chuyên nghiệp, nhân cách tốt, tính kỷ luật cao... để việc ra đề thi tránh những sai sót .

Nhận định từ một giáo viên từng tham gia ra đề thi cho hay có một số lỗ hổng mà có thể bị lợi dụng để vi phạm. Cụ thể là bắt đầu từ khâu xây dựng ngân hàng câu hỏi thi không theo đúng quy trình. Với các bước làm ngân hàng câu hỏi, không nên để một người biết tất cả. Nếu mỗi người chỉ được biết vài câu trong ngân hàng câu hỏi, sẽ không có nguy cơ lộ đề. Việc giám sát và thực hiện không nghiêm ngặt theo đúng quy chế, có thể để người làm ngân hàng câu hỏi lấy được đề thi ra khỏi khu vực đang được làm ngân hàng câu hỏi thi.

Đối với khâu ra đề thi, việc kiểm tra các điều kiện, phần mềm hỗ trợ làm đề thi không nghiêm túc, đúng quy trình; rút chưa ngẫu nhiên các câu hỏi trong ngân hàng; đặc biệt không tinh chỉnh từng câu một theo quy chế cũng có thể là nguy cơ làm lộ đề thi. Bởi nếu tinh chỉnh sẽ không thể lộ, lọt đề thi ra bên ngoài.

Mặt khác, Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2021 có các quy định về đề thi tương đối khép kín. Do đó, vấn đề còn ở khâu cán bộ, khâu con người. Quy trình chặt chẽ nhưng giáo viên tha hóa thì rất khó kiểm soát. Sau gian lận thi cử năm 2018, ông Phùng Xuân Nhạ, khi đó là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã nói rằng, kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật hiện đại đến mấy cũng có thể bị làm sai lệch kết quả.

Được biết, trong giai đoạn Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi “3 chung” để tuyển sinh ĐH, tuyệt đối cấm cán bộ ra đề về “khoe” là ở ban ra đề; tuyệt đối cấm cán bộ ra đề thực hiện việc luyện thi, ôn thi.

Tại hội nghị về công tác thi tốt nghiệp THPT 2022 vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức vào ngày 8/6, Bộ GD&ĐT cho biết: Đối với công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, chuẩn bị ra đề thi, sẽ được thực hiện trên nguyên tắc độc lập và phân định rõ trách nhiệm giữa các khâu trong xây dựng, quản lý ngân hàng câu hỏi thi (biên soạn, biên tập, thẩm định, định cỡ, lựa chọn và nhập dữ liệu câu hỏi).

Đến tháng 6, ngân hàng câu hỏi cơ bản bảo đảm cả về số lượng và chất lượng. Các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật ở tất cả các khâu, nhất là lựa chọn và nhập dữ liệu vào ngân hàng câu hỏi thi được thực hiện nghiêm. Bộ GD&ĐT cũng đã hoàn thiện hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm khách quan, bảo mật để thực hiện các khâu soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; trong đó phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia Hội đồng ra đề thi…/.