Từ hai bàn tay trắng, ông chủ nổi tiếng với dự án mang tên Công viên Thiên Đường Bảo Sơn đã vượt qua bao bão táp đề chèo lái xây dựng Tập đoàn Bảo Sơn như ngày hôm nay. Vậy ông chủ kín tiếng của tập đoàn này là ai?
Những thương vụ "nhớ đời" khi lập nghiệp
Sinh năm 1945 tại Nghệ An, sau khi tốt nghiệp trường Trung cao cơ điện vào năm 1965, ông Nguyễn Trường Sơn được Bộ Cơ khí luyện kim cử sang Bulgaria để học về ngành thiết kế chế tạo biến thế và máy điện. Năm 1972, ông tốt nghiệp bằng kỹ sư thực hành và trở về nước.
Đến năm 1989, ông trở thành Giám đốc Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu và Dịch vụ may thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ.
Đến năm 1991, ông Sơn quyết định chuyển công ty của nhà nước ra ngoài quốc doanh. Cũng từ đó, Công ty Dịch vụ Đầu tư và Du lịch Nghi Tàm, tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn (Tập đoàn Bảo Sơn) chính thức ra đời.
Đến năm 1995, Tập đoàn Bảo Sơn tạo dấu ấn đầu tiên bằng việc xây dựng Khách sạn Bảo Sơn với tiêu chuẩn 4 sao sớm nhất tại Hà Nội. Tọa lạc trên đại lộ lớn hàng đầu thủ đô với 100 phòng nghỉ, 2 phòng hội nghị, nhà hàng Âu - Á, Khách sạn Bảo Sơn được rất nhiều sự chú ý của các du khách trong nước và quốc tế kể từ khi thành lập.
Ông Nguyễn Trường Sơn – Người đứng đầu Tập đoàn Bảo Sơn
Đến năm 1995, Tập đoàn Bảo Sơn tạo dấu ấn đầu tiên bằng việc xây dựng khách sạn Bảo Sơn với tiêu chuẩn 4 sao sớm nhất tại Hà Nội.
Tiếp đó năm 2005, Tập đoàn Bảo Sơn tiếp tục trở thành tâm điểm của giới kinh doanh khi đưa Công viên Thiên Đường Bảo Sơn - quy mô 20 ha với tổng vốn đầu tư lên đến 100 triệu USD đi vào hoạt động.
Không dừng lại ở đó, Tập đoàn Bảo Sơn liên tiếp đặt chân vào các lĩnh vực kinh doanh mới, không chỉ đầu tư bất động sản, xây dựng các khu đô thị, "hệ sinh thái" của ông Sơn còn mở rộng sang y tế, giáo dục, tư vấn xuất khẩu lao động, thẩm mỹ, du lịch trong và ngoài nước...
Tuy nhiên, quảng thời gian mới khởi nghiệp là thời gian ông Sơn đã có những kỷ niệm không bao giờ quên được với những 'thương vụ nhớ đời' của ông mà ông vẫn nói rằng "lắm rắc rối và tai ương".
Thương vụ gặp rắc rồi đầu tiên của ông đó là vào năm 1985, khi ấy ông đang là Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hoàn Kiếm, đúng lúc gặp vụ đổi hạt nhựa PE, PVC của Cộng hòa dân chủ Đức để lấy 200 tấn cà phê Robusta của Việt Nam theo Hiệp định ngoài Nghị định thư. Hồi ấy, để tạo công ăn việc làm cho ngành thủ công nghiệp Hà Nội, cũng như tạo nguồn vốn trong kinh doanh thì đây là một quyết định táo bạo của ông.
Và trong 1 năm thực hiện thương vụ này với các thủ tục giấy tờ, ông Sơn đã gặp biết bao "phong ba bão táp" từ dư luận với những lời đồn thổi, đặt ra những câu hỏi ngờ vực về ông, thậm chí có người còn cho rằng, ông Sơn móc ngoặt với các đối tác để trục lợi.... Lúc đó, ông Sơn tưởng rơi vào tuyệt vọng, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các lãnh đạo Bộ, ngành, Nguyễn Trường Sơn đã xuất được 200 tấn cà phê nhưng không phải sang Đức mà sang Liên Xô và đem về hơn 20.000 tấn phân đạm. Nhờ thương vụ này mà tiếng tăm lẫn những thị phi của ông Nguyễn Trường Sơn nổi tiếng cả hai miền Nam, Bắc.
Thương vụ thứ 2 của ông cũng gặp rắc rối không kém thương vụ trước, đó là thương vụ xuất khẩu 150.000 chiếc áo thêu sang Ba Lan để đổi lấy 80.000 mét vải giả da và mấy nghìn cái phích nước. Thương vụ này cũng lấy đi của ông không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Ông đã phải đứng trước những cuộc thanh tra, kiểm tra để tìm sai phạm. Và với bản lĩnh của mình, vượt lên sự bủa vây của dư luận, ông đã chứng minh được sự trong sạch của bản thân.
Một thương vụ nữa diễn ra sau đó cũng đem lại cho ông nhiều nỗi buồn và sự hao tổn công sức. Đó là khi bản hợp đồng xuất khẩu hàng may mặc và thủ công mỹ nghệ sang Hungary, đổi lại là sản phẩm đèn leon của nước bạn với tổng giá trị hợp đồng lên tới 1 triệu USD. Thời đó, số tiền trên là rất lớn. Để thực hiện hợp đồng này, công ty của ông phải kết hợp với 1 công ty may khá có tiếng ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hợp tác này đã gặp rắc rối khi thực hiện giao hàng lần thứ hai gặp đúng thời điểm mà Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu tan rã, trong đó có Hungary khiến cho đối tác không chịu thanh toán tiền cho công ty ông. Rắc rối này 1 lần nữa khiến ông phải hứng chịu "bão táp mưa sa" buộc ông Sơn phải đứng ra chèo chống để vượt qua.
Đấy cũng là bài học xương máu mà ông đã phải trả giá. Rất may mà sau những va đập ấy, ông chợt nhận ra con đường trở thành một doanh nhân không chỉ là hoa hồng như người đời tưởng mà có quá nhiều chông gai.
Những năm gần đây, Bảo Sơn làm ăn ra sao?
Theo BCTC năm 2016 của Tập đoàn Bảo Sơn, tổng tài sản đạt 1.797 tỷ đồng, nợ phải trả là 1.086 tỷ đồng (toàn bộ là nợ ngắn hạn). Trong khi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 67,5 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số 189 tỷ đồng năm 2015.
Việc doanh thu giảm sút mạnh khiến lợi nhuận trước và sau thuế của Tập đoàn Bảo Sơn cũng giảm mạnh. Trong khi năm 2015 lợi nhuận trước và sau thuế của doanh nghiệp là 52 tỷ đồng và 40,5 tỷ đồng, thì năm 2016 chỉ là 11,6 tỷ đồng và 9,3 tỷ đồng.
Không chỉ Tập đoàn Bảo Sơn, đơn vị thành viên của Tập đoàn này là Công ty TNHH MTV du lịch giải trí Thiên Đường Bảo Sơn doanh thu và lợi nhuận cũng giảm sút. Tuy nhiên, biên độ giảm sút của công ty này nhỏ hơn so với Tập đoàn Bảo Sơn.
Tuy nhiên, đến 2019, tài sản của Tập đoàn này đã đạt ngưỡng 2.586 tỷ đồng, tức tăng 44%. Cuối năm 2019, nợ phải trả của Tập đoàn Bảo Sơn là 1.224 tỷ đồng, chiếm 47% tài sản.
Về hoạt động kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Bảo Sơn khá khiêm tốn. Duy trì ở mức trên 60 tỷ đồng và lãi dưới 10 tỷ đồng mỗi năm.
Du lịch Giải trí Thiên đường Bảo Sơn được ví là "con gà đẻ trứng vàng" của Tập đoàn Bảo Sơn, giai đoạn 2016 - 2019, dự án này ghi nhận doanh thu thuần đạt 200 tỷ đồng, đến cuối năm 2019 thì tăng lên 303 tỷ đồng; lợi nhuận duy trì trên mức 60 tỷ đồng mỗi năm.
Khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn của Tập đoàn Bảo Sơn.
Cuối tháng 9/2015, Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn của Tập đoàn Bảo Sơn thành lập.
Theo Vietnamfinance, sau hơn 1 năm hoạt động, năm 2016, doanh thu của bệnh viện chỉ đạt 23,6 tỷ đồng, lỗ sau thuế 6,5 tỷ đồng. Một năm sau, vào năm 2017, bất chấp doanh thu tăng 33% lên 31,5 tỷ đồng, doanh nghiệp vẫn lỗ đậm đến 9,3 tỷ đồng.
Chỉ đến năm 2018 và 2019, doanh thu của Bệnh viện mới phần nào được cải thiện, bắt đầu có lợi nhuận dương. Theo đó, doanh thu ghi ở mức 50 tỷ đồng vào năm 2018 và 54 tỷ đồng (năm 2019), lãi sau thuế lần lượt 602 triệu đồng và 460 triệu đồng.
Đối ứng với nguồn vốn, tài sản của Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn đang có xu hướng lệ thuộc vào các khoản vay ngoài. Năm 2016, nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 55,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 91 tỷ đồng, tuy nhiên đến năm 2019, các khoản nợ đã phình to lên 77 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu co hẹp còn 85 tỷ đồng.
Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn trực thuộc doanh nghiệp mảng y tế này là một bệnh viện khá tai tiếng kể từ khi thành lập. Không chỉ lùm xùm về việc nợ lương bác sĩ vào năm 2017, theo kết luận thanh tra số 45 ngày 13/3/2020, thanh tra Bộ Y tế còn chỉ ra hàng loạt sai phạm tồn đọng như thiếu giấy chứng nhận về phòng cháy chữa cháy theo mô hình bệnh viện, hàng chục nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh...
Tính đến cuối năm 2019, theo cơ cấu cổ đông tại Bệnh viện này thì ông Sơn nắm giữ gần 29% vốn, bà Nguyễn Thị Thu Hà nắm giữ 14% vốn, bà Lê Thị Tuyết Hoa (vợ ông Sơn) nắm giữ 2,3% và bà Nguyễn Thanh Thủy (con gái ông Sơn) nắm giữ gần 15% vốn.
Ngoài Bệnh viên đa khoa Bảo Sơn, Tập đoàn Bảo Sơn còn có hai công ty con khác là Xuất khẩu lao động Bảo Sơn và Quản lý đầu tư Hồng Lam. Tuy nhiên, 2 công ty này hoạt động gần như không phát sinh lợi nhuận, đặc biệt có năm còn gánh lỗ hàng trăm triệu đồng./.