Thú thực là thế này: Sau khi chích 2 mũi vaccine chống Covid-19, tôi và cả đám bạn của mình đã thở phào nhẹ nhõm vì nghĩ rằng tiêm xong rồi, có không may bị "2 vạch" thì triệu chứng cũng nhẹ nhàng thôi.
Vậy là chúng tôi bắt đầu ra ngoài, ăn chơi nhảy múa nhiều hơn để "sống bù" cho khoảng thời gian ru rú trong nhà vì giãn cách xã hội.
Kết quả, cả đám nối gót nhau dương tính với Covid-19. Vì đã tiêm 2 mũi nên trong những ngày 2 vạch, chúng tôi chỉ bị đau đầu và sốt nhẹ. Không hề gặp phải những triệu chứng nặng như khó thở, suy hô hấp hay mất vị giác. Đến ngày thứ 7-8, cả lũ mừng rỡ khi test PCR cho kết quả âm tính.
Tưởng thế là đã có thể tự tin tái hòa nhập cộng đồng được rồi nhưng không…
Rối loạn kinh nguyệt, suy giảm ham muốn tình dục hậu Covid-19
Ngoài những triệu chứng như khó thở, suy giảm chức năng nhận thức (lúc nhớ lúc quên, khó đưa ra quyết định vì hội chứng sương mù não), gần như cả hội chị em 4 người chúng tôi đều bị rối loạn kinh nguyệt và chẳng còn ham muốn tình dục.
Đây không phải những di chứng quá nguy hiểm tới mạng sống theo cảnh báo của WHO, nhưng có tìm hiểu mới biết chẳng riêng gì chúng tôi, rất nhiều phụ nữ cũng rơi vào cảnh "như mãn kinh" sau khi mắc Covid-19.
Từ 6/2020 tới 3/2021, Bộ Y tế Pakistan đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về tác động của Covid-19 tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ nói chung. Khoảng 300 phụ nữ bị nhiễm Covid-19 đã trả lời bảng câu hỏi đánh giá rối loạn tình dục (FSFI) sau khi khỏi bệnh.
Kết quả cho thấy 67.7% người tham gia có triệu chứng suy giảm ham muốn tình dục. 56.2% trong số đó còn gặp thêm cả tình trạng rối loạn kinh nguyệt (kinh nguyệt thưa, rong kinh) sau khi mắc Covid-19.
Hoạt động buồng trứng, tử cung bị suy giảm, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ sau khi mắc Covid-19
Rối loạn kinh nguyệt hay lửa yêu tạm tắt chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này chính là tử cung và buồng trứng bị tác động tiêu cực hậu Covd-19.
Giải thích tình trạng này, các chuyên gia y tế cho rằng: Cấu trúc protein của virus Corona có các gai S. Những gai này rất có ái lực với thụ thể ACE 2 (angiotensin-converting enzyme 2). Khi muốn xâm nhập vào tế bào cơ thể người, virus phải gắn gai S với thụ thể ACE 2 nằm trên màng tế bào. Sau đó, chúng chuyển vật liệu di truyền, hòa vào nhân tế bào con người.
Thụ thể ACE 2 hiện diện rất nhiều ở màng tế bào niêm mạc miệng, phổi, tim và các cơ quan khác khắp cơ thể, trong đó có cơ quan sinh dục - là cơ quan đích dễ bị virus tấn công. Sau khi mắc COVID-19, quá trình hình thành và phát triển của các nang noãn ở buồng trứng bị suy giảm hoặc rối loạn, niêm mạc tử cung cũng nhạy cảm và dễ bị viêm hơn.
Theo các chuyên gia y tế, di chứng về sức khỏe sinh sản nói chung có thể nghiêm trọng và đáng lo ngại với những phụ nữ đã bị mắc các bệnh phụ khoa, bệnh về tử cung trước khi nhiễm Covid-19.
Làm sao để hạn chế di chứng hậu Covid-19?
Theo khuyến cáo của các Bác sĩ, trong vòng 1-3 tháng sau khi khỏi bệnh, bạn nên đi khám sức khỏe tổng quát để sớm nhận biết các di chứng hậu Covid-19 và có hướng điều trị kịp thời.
Trước khi đi khám tổng quát, chị em cũng nên quan sát và lắng nghe cơ thể mình. Miêu tả triệu chứng hậu Covid-19 của bạn là cơ sở quan trọng để các Bác sĩ quyết định các xét nghiệm phù hợp đấy.
Cuối cùng, dù đã tiêm đủ 3 mũi vaccine phòng Covid-19 đi nữa, mong bạn vẫn luôn tuân thủ quy tắc 5K của bộ Y tế và đề cao tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh./.