Do sự thay đổi dòng chảy đã làm sạt lở một khu vực lớn tại cồn Phú Đa, thuộc Tổ nhân dân tự quản số 15, ấp Phú Bình xã Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).

Theo UBND huyện Chợ Lách cho biết, vào lúc 19h tối 12/9, một vụ sạt lở lớn ven sông tiếp tục xảy ra tại cồn Phú Đa. Đất ven sông bị sụp xuống dòng nước, nước tràn làm sụp một đoạn đê đất dài 100m, đê kè rọ đá 15m, 1 cầu phà bê tông cốt thép và hư hỏng 25m đường nhựa. Ngoài ra sạt lở còn làm sụp mất 1 căn nhà của dân và 1 quán giải khát. Nước triều tràn qua đê gây ngập 12 ha vườn cây ăn trái của 14 hộ dân nơi đây.

Khẩn trương khắc phục điểm sạt lở lớn tại cồn Phú Đa (Bến Tre)
Sau khi xảy ra sạt lở, 12 ha vườn cây ăn trái tại cồn Phú Đa bị chìm trong biển nước.
Khẩn trương khắc phục điểm sạt lở lớn tại cồn Phú Đa (Bến Tre)
Chính quyền địa phương huy động cơ giới chống chọi với sạt lở.

Hiện nay, khu vực này có biểu hiện rạn nứt, nguy cơ sạt lở tiếp tục. Sau khi sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường, huy động lực lượng hỗ trợ di dân ra ở nơi an toàn, dời 3 căn nhà của người dân vùng sạt lở.

Khẩn trương khắc phục điểm sạt lở lớn tại cồn Phú Đa (Bến Tre)
Lãnh đạo UBND và các ngành chức năng huyện Chợ Lách có mặt kịp thời để chỉ huy ứng phó với sạt lở.
Khẩn trương khắc phục điểm sạt lở lớn tại cồn Phú Đa (Bến Tre)
Nhiều nhà dân bị nghiêng ngã, sụp xuống dòng sông.

Ngày 13/9, UBND huyện Chợ Lách điều phương tiện xáng dây và kobel khẩn cấp làm đê tạm để ngăn nước tràn. Ông Phạm Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết, cồn Phú Đa có hơn 350 hộ dân sinh sống với nghề trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản. Thời gian qua, tại cồn này đã xảy ra nhiều điểm sạt lở “hàm ếch”. Từ nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh, huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng khắc phục nhưng sạt lở vẫn tiếp diễn.

Khẩn trương khắc phục điểm sạt lở lớn tại cồn Phú Đa (Bến Tre)
Bờ sông cồn Phú Đa có biểu hiện tiếp tục sạt lở.

"Trước tình hình này, trước mắt chúng tôi di chuyển dân. Sáng nay, chúng tôi khảo sát cho triển khai thi công đê tạm để bơm nước rồi lăn đê vào trong. Ban đầu nguyên nhân là do thay đổi dòng chảy”- ông Phạm Anh Linh cho biết./.