Mới đây Tổng thống Indonesia, Joko Widodo tuyên bố tiếp tục kế hoạch di chuyển thủ đô của đất nước từ đảo Java đến tỉnh Đông Kalimantan thuộc đảo Borneo sau thời gian trì hoãn do đại dịch Covid-19.

Tiến trình dự án rời đô của Indonesia trong đại dịch

Thủ đô Jakarta với 12 triệu dân có sơ sở hạ tầng đã phát triển hết mức, được liệt vào danh sách “siêu đô thị” quá tải. Đây cũng là thành phố có nguy cơ chìm dần vào nước biển với tốc độ nhanh hàng đầu thế giới. Tình thế cấp bách trên thúc đẩy chính quyền Tổng thống Joko Widodo lên kế hoạch rời đô vào năm 2019. Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo Indonesia cho rằng thành phố thủ đô không chỉ là biểu tượng của bản sắc mà còn là đại diện cho sự tiến bộ của quốc gia.

Khắc phục khó khăn, Indonesia nỗ lực theo đuổi "siêu dự án" di dời thủ đô
Cơ sở hạ tầng của Jakarta đã phát triển hết mức

Việc di dời thủ đô cũng nhằm mục đích xây dựng công bằng xã hội và công bằng kinh tế ở Indonesia. Kế hoạch này đã trở thành ưu tiên hàng đầu của chính phủ thời gian đó. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã xảy ra trong gần 2 năm qua ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch dời đô.

Trong bài phát biểu thường niên của Tổng thống Joko Widodo 2 năm trở lại đây không đề cập đến dự án dời đô. Nhưng tuần qua, nhà lãnh đạo Indonesia bất ngờ đến Đông Kalimantan để thị sát điểm bắt đầu của con đường nối tới thủ phủ mới. Tại đây ông đã khẳng định quá trình di dời thủ đô vẫn được thực hiện như dự kiến.

Theo Tổng thống Widodo, để xây dựng một thủ đô mới hoàn hảo thì điều quan trọng nhất là cần có cơ sở hạ tầng kết nối với khu vực phân phối hậu cần và chuỗi cung ứng. Hiện nay "siêu dự án" di dời thủ đô của Indonesia vẫn đang trong giai đoạn thiết kế và quy hoạch thành phố thủ đô mới với việc xem xét địa điểm xây dựng sân bay, hải cảng. Đồng thời, song song với đó là việc xây dựng Luật thủ đô mới đang được khởi động. Tuần qua, Tổng thống Joko Widodo đã họp với những người đứng đầu các đảng phái trong liên minh cầm quyền để thảo luận về Dự luật Thành phố thủ đô Quốc gia. Thời điểm bổ sung, đệ trình Dự luật này lên Hạ viện có thể được điều chỉnh do dịch Covid-19.

Khả năng hoàn thành dự án đúng kỳ hạn vào năm 2024

Tuy nhiên, thách thức trong giai đoạn đại dịch, thách thức về kinh tế có thể sẽ khiến cho “siêu dự án" dời đô trị giá lên tới 32 tỷ USD. Ngoài sự sẵn sàng về cơ sở hạ tầng đang được tiếp diễn, chính phủ Indonesia cũng phải khẩn trương chuẩn bị cho tiến trình chính trị.

Theo kế hoạch, trong năm 2021, chính phủ Indonesia đặt mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng tài nguyên, các tòa nhà chiến lược, các cơ sở hạ tầng hỗ trợ cơ bản, phát triển hệ thống giao thông và quan trọng nhất là hoàn thành Dự luật Thủ đô mới.

Khắc phục khó khăn, Indonesia nỗ lực theo đuổi "siêu dự án" di dời thủ đô
Jakarta có tốc độ chìm xuống biển nhanh nhất thế giới

Trong giai đoạn từ năm 2022-2023, việc xây dựng trụ sở, nhà công vụ, cơ sở giáo dục, y tế và các cơ sở hạ tầng hỗ trợ khác sẽ được thực hiện. Tới năm 2024 sẽ tiến hành các bước di dời ban đầu.

Người đứng đầu Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia, ông Suharso Monoarfa lạc quan rằng việc xây dựng Phủ Tổng thống tại thủ đô mới có thể được khởi công trong năm nay và Tổng thống Joko Widodo có thể tiến hành lễ Quốc khánh lần thứ 79 vào năm 2024 tại thủ đô mới.

Khắc phục khó khăn, Indonesia nỗ lực theo đuổi "siêu dự án" di dời thủ đô
Ngày 24/8 Tổng thống Joko Widodo thị sát điểm bắt đầu xây dựng lối vào thủ đô mới ở Đông Kalimantan. Nguồn: Tribunnews

Ông Suharso cho biết, sở dĩ có thể kỳ vọng vào việc Phủ Tổng thống có thiết kế hình con đại bàng hoàn thành vào năm 2024 vì Chính phủ nước này đã tính toán kỹ lưỡng về mục tiêu của Chương trình tiêm chủng quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và khả năng đạt miễn dịch cộng đồng của Indonesia. Indonesia đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm sau sau khi hoàn thành tiêm chủng cho 70% dân số.

Đảm bảo tính ô pháp lý cho tính liên tục của dự án quốc gia

Để đảm bảo tính liên tục của kế hoạch phát triển Thủ đô quốc gia mới, Indonesia cần có một chiếc ô pháp lý mạnh mẽ hơn.

Theo Hiến pháp năm 1945 của Indonesia và Luật số 25 năm 2004 về Hệ thống Quy hoạch Phát triển quốc gia, Indonesia không áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với Tổng thống kế tiếp nếu không tiếp tục chương trình phát triển của Chính phủ trước đó. Do đó, hiện nay, Tổng thống Indonesia ông Joko Widodo đang chuẩn bị đệ trình lên Quốc hội bản Nguyên tắc Chính sách Nhà nước.

Khắc phục khó khăn, Indonesia nỗ lực theo đuổi "siêu dự án" di dời thủ đô
Thiết kế khu vực trung tâm thủ đô mới của Indonesia. Nguồn: Boombastis

Theo Chủ tịch Quốc hội Indonesia, Bambang Soesatyo, Nguyên tắc Chính sách Nhà nước sẽ trở thành nền tảng cho các chương trình quốc gia, trong đó có việc di dời thủ đô đến Kalimantan. Đi cùng với đó, Indonesia cũng phải sửa đổi Hiến pháp 1945, đặc biệt là việc bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc quy định Nguyên tắc Chính sách Nhà nước, đảm bảo Tổng thống kế nhiệm sẽ tiếp tục các chương trình quốc gia của người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, việc dời đô của chính phủ Indonesia được tiếp tục trong thời gian đại dịch cũng vấp phải một số ý kiến chỉ trích. Ông Irawadi Syamsudin, thành viên Ủy ban 11 Hạ viện Indonesia, cho rằng với điều kinh kinh tế đang giảm mạnh như hiện nay, việc tiếp tục kế hoạch thủ đô mới là không đồng cảm với hoàn cảnh của người dân.

Ông Irawadi Syamsudin cho rằng, Chính phủ đã không tính đến các quỹ phục hồi sức khỏe và kinh tế cho người dân sau đại dịch. Ông đề xuất thay vì chuyển thành phố thủ đô của đất nước tiêu tốn hàng trăm ngàn tỷ Rupiah thì nó nên được sử dụng để phục hồi kinh tế, bổ sung trợ cấp xã hội, trợ cấp công nghiệp trong giai đoạn đại dịch./.