Ngày 16/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp gồm các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; đại diện lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, ý kiến của các Bộ trưởng, phát biểu của các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo:
1. Các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách bộ, ngành, lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các Bộ trưởng, Thủ trưởng trong lĩnh vực theo dõi thực hiện nghiêm, có hiệu quả nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao trong phòng, chống dịch COVID-19; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến phòng, chống dịch.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo thực hiện hỗ trợ phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội; thành lập các tổ công tác chuyên trách, thường trực phòng, chống dịch, phân công người có đủ thẩm quyền và trách nhiệm trực 24/24 giờ, kịp thời xử lý các vấn đề đột xuất, phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo, huy động các lực lượng (trong đó có lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn) tham gia thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm việc lưu thông, vận chuyển lương thực, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân; chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương để kịp thời xây dựng bệnh viện dã chiến; phối hợp với Bộ Y tế triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine.
4. Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và an ninh mạng, nhất là tại cơ sở và tại các địa bàn, khu vực bị phong tỏa, giãn cách.
5. Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm sẵn sàng các loại trang thiết bị, vật tư y tế; hướng dẫn thực hiện giãn cách xã hội; có phương án kịp thời tăng cường năng lực điều trị tại từng địa phương thực hiện giãn cách xã hội; chủ động lên kế hoạch và kịp thời thực hiện mua sắm tập trung trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời các loại vật tư y tế, trang thiết bị, máy thở, oxy... Huy động, sử dụng các nguồn lực hợp pháp để mua sắm sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế. Xây dựng kịch bản cao hơn để không bị động, lúng túng khi có tình huống xấu hơn; chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh có thể xảy ra (100.000 ca mắc, 200.000 ca mắc, 300.000 ca mắc); thường xuyên và kịp thời báo cáo kết quả phòng, chống dịch tại Trung ương và địa phương.
6. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo để bảo đảm hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, lương thực, thực phẩm, các hàng hóa thiết yếu được vận tải, lưu thông thông suốt giữa các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; chủ động phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất quy định và hướng dẫn thực hiện thống nhất các quy trình, thủ tục kiểm soát người và phương tiện vận tải lưu thông trên các địa bàn giãn cách.
7. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo việc hỗ trợ người lao động mất việc, người có điều kiện khó khăn; kịp thời xử lý các vướng mắc; công bố công khai số lượng người đã được ủng hộ từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Chính phủ; rà soát, bổ sung, cập nhật các đối tượng cần được hỗ trợ theo tình hình thực tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, doanh nghiệp liên quan thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu; có biện pháp thiết thực, cụ thể, hỗ trợ kịp thời cho nhân dân, nhất là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, lao động mất việc làm...
9. Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo, bảo đảm cân đối nguồn tài chính, kịp thời bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
10. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Y tế tiếp cận, đàm phán mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, vắc xin phục vụ phòng chống dịch với các đối tác nước ngoài.
11. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương để chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông, cung cấp kịp thời thông tin cho nhân dân góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch bệnh; để nhân dân hiểu, bình tĩnh, chia sẻ, ủng hộ và tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch; khẩn trương hoàn thiện và ứng dụng có hiệu quả công nghệ trong phòng, chống dịch.
12. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
13. Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải phối hợp chỉ đạo hỗ trợ các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý, kiểm soát nghiêm người từ các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội đến các địa phương khác, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
14. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc các Bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao về phòng, chống dịch; kịp thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương, khen thưởng các bộ, cơ quan làm tốt, chấn chỉnh, xử lý các bộ, cơ quan, cá nhân thực hiện chưa tốt các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong quá trình thực hiện, căn cứ tình hình thực tiễn, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và bảo đảm đời sống cho Nhân dân; chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp phù hợp, hiệu quả; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
15. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân tiếp tục vận động nhân dân, doanh nghiệp phát huy tinh thần đại đoàn kết, đồng tình ủng hộ, chia sẻ, ủng hộ, tự giác và tích cực thực hiện các yêu cầu, quy định về giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch; đây không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước./.