Rất nhớ những chiều thu mưa buồn, mẹ hay mang về mấy miếng kẹo lạc khuôn (nguyên bản của kẹo cu đơ ngày nay) được mua từ tận bên kia sông Ngàn Phố. Mùi mật mía được nấu sên lên, mùi lạc rang thơm, giòn bùi đã trở thành một kí ức mà hễ chạm khẽ, lại thấy mình chỉ là một đứa trẻ , mong ngóng được mẹ cho quà.
 
Sáng nay mưa nhằng nhẵng. Mang mấy miếng kẹo cu đơ ra ngồi rỉ rả ăn vui. Từng miếng kẹo ngọt ngào, vàng óng màu cánh gián, hoà quyện với vị lạc bùi bùi, thơm thơm đầy mời gọi. Sao cũng từ lạc, từ mật mía nấu lên mà chỉ có kẹo Cu Đơ Hà Tĩnh mới mang một hương vị đặc trưng, ngon giòn và đầy ấn tượng đến thế.

 
Khi ăn kẹo cu đơ, vị dẻo của mật mía quyện lẫn với sự giòn tan, bùi bùi của lạc, thi thoảng lại gặp một tí xíu gừng cay cay và vỏ chanh thơm lừng. Thêm bát chè xanh ấm pha loãng nữa thì tuyệt! (Ảnh: Huy Tùng)
 
Rất nhớ những chiều thu mưa buồn, mẹ hay mang về mấy miếng kẹo lạc khuôn (nguyên bản của kẹo cu đơ ngày nay) được mua từ tận bên kia sông Ngàn Phố, Hà Tĩnh. Mùi mật mía được nấu sên lên, mùi lạc rang thơm ngon, giòn bùi  đã trở thành một kí ức mà hễ chạm khẽ, lại thấy mình chỉ là một đứa trẻ , mong ngóng được mẹ cho quà.
 
Hồi đó, ở làng Thịnh Xá bên kia song Ngàn Phố có nhà ông “cu Hai” chuyên nấu kẹo lạc. Những đứa trẻ trong làng thường hay rủ nhau đến để xin vét nồi bằng ám hiệu “cu Hai”. Đi miết, sợ cha mẹ biết mà mắng mỏ nên mỗi lần rủ rê nhau, những đứa trẻ ấy đã gọi chệch đi là “cu đơ”. Và cái tên kẹo lạc “cu đơ” cũng được ra đời từ đấy.



Hồi đó, ở làng Thịnh Xá bên kia song Ngàn Phố có nhà ông “cu Hai” chuyên nấu kẹo lạc. (Ảnh: Huy Tùng)
 
Từ bếp lửa nhà ông Cu Hai, nghề nấu kẹo đã được truyền bí kíp cho nhiều nhà trong xóm. Lâu dần thành nghề truyền thống của làng. Không biết vì nguyên cớ gì mà cũng với công thức như thế nhưng kẹo được nấu ở vùng Thịnh Xá bao giờ cũng ngon hơn kẹo vùng khác. 
 

 
Kẹo được nấu ở vùng Thịnh Xá bao giờ cũng ngon hơn kẹo vùng khác (Ảnh: Huy Tùng)
 
Kẹo cu đơ Hà Tĩnh là sự quyện lẫn của mật mía, lạc sen, gừng, vỏ chanh chín và bánh đa vừng. Mật mía thuở ấy là thứ mật kéo che tại gia, được cô cho đặc quánh như mật ong. Và lạc phải là thứ lạc sen vỏ thẫm trồng trên bãi ven sông Ngàn Phố.
 
Ngày xưa, nhà nghèo nên chỉ những lúc mớ rau, thúng gạo, chục trứng… của bà, của mẹ được giá hay khi chúng tôi đạt được thành tích gì đó mới được thuởng một miếng kẹo đó. Vị ngọt của những miếng kẹo hiếm hoi suốt một thời thơ ấu nghèo khó ấy cứ theo hoài để mỗi lần nghĩ lại tôi không khỏi rưng rưng.
 
Cu đơ được ưa chuộng nhất vào mùa đông nhưng không có nghĩa mùa hè là không có người ăn. Kể cũng lạ, dẫu tiết trời nắng nóng đến mấy, thứ quà quê khiến người ta có chững lại đôi chút, ngại ngần đôi chút vì nóng ấy vẫn cứ làm người ta không đừng được mà cắn thử một miếng. Rồi khi vị dẻo của mật mía quyện lẫn với sự giòn tan, bùi bùi của lạc, thi thoảng lại gặp một tí xíu gừng cay cay và vỏ chanh thơm lừng. Thêm bát chè xanh ấm pha loãng nữa thì tuyệt!
 
Vốn được nhiều người ưa chuộng như vậy nên dần dà việc làm cu đơ đã trở thành một nghề. Giờ đây,  thị trường kẹo cu đơ đã bắt đầu nhộn nhịp và có nhiều thương hiệu như Đồng Hồng, Trung Hoà, Thanh Sơn, Bà Hường… Trong đó, nổi tiếng nhất và sản xuất nhiều nhất phải kể đến cu đơ Bà Hường tại khối 12 thị trấn Phố Châu.

 
Ở Hà Tĩnh, nổi tiếng nhất và sản xuất nhiều nhất phải kể đến cu đơ Bà Hường tại khối 12 thị trấn Phố Châu.(Ảnh: Huy Tùng)
 
Mỗi ngày cho ra lò hàng nghìn cái kẹo cu đơ vẫn không đủ cung cấp cho khách hàng, bà Hường vẫn rất khiêm tốn cho rằng, kẹo của nhà mình cũng giống kẹo ở những vùng khác. Có chăng, nhà bà lợi thế hơn bởi địa điểm nằm ngay trên Quốc lộ 8A rất tiện để gửi hàng cho khách phương xa. Nhưng thực tế ai cũng biết, kẹo cu đơ Bà Hường ngon là bởi bà rất kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu đến các bước trong công thức nấu kẹo như quạt bánh, nhặt lạc, giã gừng… Đặc biệt, bà còn lựa chọn loại củi sao cho lửa thật nồng, thật đượm và từ chối sử dụng mô tơ, chỉ quấy mật bằng tay dù có thể tiến độ chậm hơn.
 
Nếu như trước đây, kẹo cu đơ chỉ là một món ăn dân dã để nuông chiều cái miệng hảo ngọt trong thời buổi đói kém, hay đơn giản chỉ là một món quà ngọt ngào mẹ dành tặng con mỗi khi đi chợ về, thì giờ đây, nó đã trở thành một thức quà quê để người ta gói ghém biếu tặng nhau mỗi dịp đi xa, và là đặc sản của mảnh đất nghèo Hà Tĩnh để mỗi lần nhắc đến người ta vẫn trìu mến gọi tên cu đơ Hà Tĩnh.