Sáng ngày 28/5, kênh FAP TV bất ngờ bị đổi tên thành Tesla US. Đồng thời, trên kênh xuất hiện một video phát sóng trực tiếp chiếu lại buổi tọa đàm của Elon Musk, Giám đốc Điều hành hãng xe điện Tesla và Jack Dorsey, người sáng lập mạng xã hội Twitter.

Tọa đàm này đã diễn ra từ tháng 7/2021, trong khuôn khổ The B Word, một sự kiện trực tuyến với chủ đề về các ứng dụng của Bitcoin và tiền số. Đến khoảng 10h cùng ngày, video nêu trên bị gỡ bỏ khỏi FAP TV. Logo cũ của kênh YouTube này cũng đã xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, tên kênh hiện vẫn là Tesla US.

22-1653744356.jpg
Kênh FAP TV bị chiếm dụng để phát trực tiếp nội dung tặng tiền số lừa đảo.

Sau đó, một video trực tiếp khác với nội dung tương tự tiếp tục xuất hiện trên kênh FAP TV. Bên cạnh buổi tọa đàm, kẻ tấn công còn chèn nội dung Elon tặng tiền số trên website giả mạo, Tesla-drops.org.

Khi vào trang này, người dùng sẽ nhìn thấy những bảng quảng cáo với nội dung Elon Musk tặng 1 triệu USD tiền số. Người dùng chỉ cần gửi một lượng Bitcoin hoặc Ethereum đến địa chỉ ví của chương trình, họ sẽ nhận lại gấp đôi. Tuy nhiên, đây là một chiêu trò chiếm đoạt tài sản số của người dùng.

Ở thời điểm cao nhất, có hơn 10.000 người xem buổi trực tiếp giả mạo này. Kẻ tấn công tắt tính năng bình luận của video để tránh bị người dùng tố giác nội dung lừa đảo. Hiện tại, hàng loạt video cũ ở chế độ riêng tư của FAP TV cũng bị công khai trên YouTube.

Nói với Zing, ông Trần Long, đại diện FAP TV cho biết kênh bị hacker chiếm đoạt vào sáng 28/5. Hiện tại, phía ông Long và đơn vị hỗ trợ MeTub đang cùng làm việc để sớm lấy lại kênh. “Nhiều kênh ở Việt Nam cũng gặp tình huống này rồi. Bên MeTub báo mất khoảng 24 giờ để lấy lại kênh”, ông Long cho biết.

FAP TV hiện là kênh YouTube lớn thứ 3 tại Việt Nam với hơn 13 triệu người đăng ký. Nội dung chủ yếu trên kênh là các video hài kịch, phim học đường với hàng triệu lượt xem.

Đây không phải lần đầu tiên một kênh YouTube lớn tại Việt Nam bị tấn công dạng này. Sáng 25/8/2021, kênh YouTube của báo Thanh Niên bị đổi tên thành Ripple Global cũng như toàn bộ tiêu đề video trên kênh chuyển thành nội dung quảng cáo tiền số. Cụ thể, tất cả video trên kênh đều có tiêu đề chuyển thành “Ripple XRP. Market Cycle Tops, Janet B. Corruption | XDC, XRP +31% SEC, XRP Utility”.

Trong cùng ngày, kênh Báo Thanh Niên cũng bị đối tượng chiếm đoạt quyền phát trực tiếp, livestream quảng cáo tiền số. Ngoài ra, nhiều video cũ được đặt ở chế độ riêng tư của kênh cũng bị công khai. Sau đó, kênh YouTube của Thanh Niên đã bị khóa với thông báo "vi phạm Nguyên tắc cộng đồng của YouTube".

Vụ việc tương tự cũng từ xảy ra với kênh các nghệ sĩ như Hồ Quang Hiếu, Trấn Thành, Lý Hải, Lynk Lee, Phúc Du... Phần lớn trường hợp nêu trên đều được phục hồi kênh sau một thời gian. Nhưng tình trạng kênh YouTube bị lợi dụng dạng này bắt đầu xuất hiện từ 2020, đến nay vẫn chưa được nền tảng khắc phục.