Tờ Izvestia của Nga cho biết: “Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra quyết định cơ bản là phát triển cho các máy bay chiến đấu MiG-31 và MiG-41 hệ thống tên lửa đánh chặn tầm xa đa chức năng (MPKR DP) có khả năng tấn công các mục tiêu siêu thanh. Các nghiên cứu về lý thuyết đã được thực hiện trên một loại tên lửa không đối không tầm xa tích hợp nhiều đầu đạn”.
MiG-31 (NATO gọi là Foxhound) là máy bay đánh chặn phòng không, được phát triển dựa trên máy bay đánh chặn thế hệ thứ ba MiG-25 Foxbat có từ thời Chiến tranh Lạnh. Đến nay, Foxhound vẫn là một trong những chiến đấu cơ nhanh nhất thế giới, có thể hoạt động hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết, như một phần của mạng lưới phòng không nhiều lớp trong nhiều năm tới.
Còn MiG-4 được quảng cáo là máy bay đánh chặn tàng hình "thế hệ thứ sáu", nằm trong kế hoạch thay thế cho MiG-31. Là dòng kế nhiệm MiG-31, MiG-41 được thiết kế để bay ở tốc độ Mach 4.3, sử dụng nhiều loại vũ khí mới, đồng thời tích hợp công nghệ tàng hình mới, có thể mang theo số lượng lớn vũ khí và có tầm bắn xa. Được biết, MiG-41 sẽ sử dụng cùng loại động cơ với MiG-31, điều này cho thấy đây sẽ là một máy bay đánh chặn tầm xa hạng nặng. MiG-41 dự kiến sẽ cất cánh lần đầu tiên vào năm 2025.
Sử dụng các tên lửa đa đầu đạn chống lại tên lửa siêu thanh là một ý tưởng vô cùng thú vị. Nga cũng đang xem xét phát triển một tên lửa duy nhất có khả năng phân tán nhiều tên lửa phụ để đánh chặn vũ khí siêu thanh, di chuyển cực nhanh với tốc độ lớn hơn Mach 5.
Theo lý giải của Izvestia “Máy bay hạng nặng tác chiến trên không với tốc độ cao sẽ đưa thiết bị tấn công mang theo một số tên lửa không đối không đa đầu đạn hiện đại lên tới khoảng cách xa vài trăm km. Sau đó, các tên lửa sẽ tách ra, bắt đầu tự tìm kiếm và tấn công các mục tiêu. Một đầu dò radar chủ động sẽ giúp chúng thực hiện các công việc này”.
“Tất cả các tên lửa sẽ tiến tới một điểm được tính toán trước trên quỹ đạo của vũ khí siêu thanh và đón đầu tấn công. Việc sử dụng các tên lửa tầm xa sẽ giúp mở rộng khu vực tấn công của máy bay đánh chặn”, tờ Izvestia cho biết thêm.
Lý thuyết này được hiểu đơn giản là: Nếu sử dụng nhiều đầu đạn có radar dẫn đường để tấn công một mục tiêu siêu thanh thì xác suất trúng mục tiêu chắc chắn sẽ cao hơn việc sử dụng 1 đầu đạn duy nhất.
Chuyên gia quốc phòng Nga Dmitri Kornev giải thích rõ hơn: “Một tên lửa phòng không thông thường chỉ có 1 đầu đạn. Chính vì vậy, khả năng bắn trượt mục tiêu siêu thanh là rất cao. Nhưng nếu có một đầu đạn lớn mang theo nhiều đầu đạn nhỏ thì khả năng bắn trúng vật thể tốc độ cao sẽ gia tăng đáng kể”.
Mỹ cũng sử dụng cách tiếp cận tương tự để lập hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm chống lại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Theo đó, các tên lửa đánh chặn sẽ phóng "phương tiện tiêu diệt" mang theo nhiều đầu đạn, mỗi đầu đạn được trang bị cảm biến cũng như động cơ đẩy để gia tăng tính hiệu quả.
Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm của Mỹ đã trải qua nhiều thất bại. Tầm nhìn vĩ mô của Tổng thống Ronald Reagan về phòng thủ tên lửa mang tên "Chiến tranh giữa các vì sao" đã bị thu hẹp lại thành khả năng phòng thủ tối thiểu trước một số ICBM của Triều Tiên.
Ý tưởng khó thành hiện thực?
Izvestia đã vẽ ra một kịch bản mô tả toàn bộ quá trình chống lại vũ khí siêu thanh của máy bay MiG trang bị tên lửa đa đầu đạn: “Các mục tiêu trên không, tên lửa hành trình hoặc siêu thanh có thể được phát hiện bằng radar trên mặt đất, radar cảnh báo sớm hoặc hệ thống cảnh báo tấn công. Máy bay chiến đấu sẽ chỉ cần phóng một tên lửa siêu xa vào khu vực cần thiết mà không cần phải mạo hiểm lao vào một trận chiến trên không”.
Giới phân tích cho rằng, nếu hệ thống phòng thủ tên lửa siêu thanh dựa trên dòng máy bay MiG của Nga hoạt động, thì nó sẽ có hiệu quả trong việc chống lại tên lửa siêu thanh chiến thuật hơn là ICBM.
Nga cho biết, tên lửa siêu thanh Avangard của nước này có tốc độ Mach 20+. Trong khi đó, các tên lửa siêu thanh chiến thuật, chẳng hạn như tên lửa chống hạm Zircon có khả năng đạt tốc độ từ Mach 8 đến 10. Tốc độ này chậm hơn so với tên lửa ICBM, nhưng vẫn được cho là khá nhanh.
Không giống như tên lửa đạn đạo hồi quyển, tên lửa siêu thanh có thể cơ động trong bầu khí quyển để tránh bị đánh chặn. Một vật thể xuyên qua không khí với tốc độ gấp mười lần tốc độ âm thanh sẽ khiến đối phương không có nhiều thời gian để phản ứng hoặc phát hiện. Hơn nữa, tấn công một vũ khí siêu thanh Mach 20 không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là khi vũ khí này được đi kèm với mồi nhử dễ gây nhầm lẫn cho các hệ thống phòng thủ tên lửa. Điều đó có nghĩa là ý tưởng bắn một loạt tên lửa không đối không với hy vọng rằng một tên lửa sẽ trúng mục tiêu, có thể là ý tưởng khó khả thi./.