Liên quan vụ việc Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu Châu Văn Mỹ bị Cơ quan Điều tra Viện KSND tối cao bắt quả tang khi đang nhận tiền của nữ bị cáo D.H.T tại nhà nghỉ Chí Hiếu (TP Bạc Liêu), theo thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu, ông Mỹ bị bắt vì nhận tiền chạy án từ tù giam sang tù treo. Dư luận đặt câu hỏi: Kẽ hở nào giúp Phó Chánh án tỉnh Bạc Liêu thực hiện hành vi nhận hối lộ?
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cần phải đánh giá lại quy định pháp luật cũng như thực tiễn trong việc áp dụng án treo. Đồng thời phải có quy định cứng là đủ điều kiện, bắt buộc tòa án phải cho hưởng án treo, tránh trường hợp quy định trao quyền dẫn đến tiêu cực, bất công trong xã hội.
Lợi dụng kẽ hở của pháp luật về việc phạt tù nhưng cho hưởng án treo nên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu Châu Văn Mỹ đã thực hiện hành vi nhận hối lộ.
Theo quy định tại điều 65 bộ luật hình sự và hướng dẫn lại nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP và Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, khi đủ điều kiện được hưởng án treo tòa án cũng "có thể" cho hưởng án treo hoặc không cho hưởng án treo.
Quyền quyết định thuộc về Hội đồng xét xử (mà trong thực tiễn, chủ yếu là do chủ tọa phiên tòa, mặc dù pháp luật quy định là xét xử tập thể và quyết định theo đa số). Trong các căn cứ để cho hưởng án treo, có những căn cứ định lượng, có những căn cứ định tính. Căn cứ định tính, do hội đồng xét xử quyết định. Bởi vậy mỗi người nhận định khác nhau sẽ có những phán quyết khác nhau.
Quy định này nhằm trao quyền cho tòa án trong việc bảo vệ công lý nhưng một số đối tượng lại lợi dụng quy định này để trục lợi, bẻ công pháp luật và thực hiện hành vi nhận hối lộ.
Điều 65, Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về án treo như sau: “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.”
Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ Luật hình sự về án treo được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP, người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, bị phạt tù không quá 3 năm;
Thứ hai, người bị xử phạt tù có nhân thân là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc;
Thứ ba, có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự; Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
Thứ tư, có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục; Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo. Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
Thứ năm, xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
Thứ sáu, khi xem xét, quyết định cho bị cáo hưởng án treo Tòa án phải xem xét thận trọng, chặt chẽ các điều kiện để bảo đảm việc cho hưởng án treo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với các trường hợp hướng dẫn tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 3 Nghị quyết này.
Bị cáo D.H.T (SN 1977, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) bị Tòa án nhân dân huyện Hòa Bình tuyên phạt bị cáo D.H.T 6 tháng tù giam về tội Trộm cắp tài sản, số tiền phạm tội bị truy tố là 4,4 triệu đồng. Khi đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự để giảm nhẹ cho bị cáo theo đúng quy định pháp luật.
Sau phiên sơ thẩm, bị cáo T kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Quá trình này bị cáo đã quen biết với ông Châu Văn Mỹ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Ông Mỹ hứa sẽ giảm án cho bị cáo, số tiền thỏa thuận là 100 triệu đồng, bị cáo đã đưa trước cho ông Mỹ số tiền 80 triệu đồng.
Ngày 8/11, Tòa án nhân dân tỉnh đưa vụ án Trộm cắp tài sản của bị cáo D.H.T ra xét xử phúc thẩm. Hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán, trong số các thẩm phán có ông Châu Văn Mỹ ngồi Hội đồng xét xử. Tại phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo D.H.T được chuyển hình phạt từ 6 tháng tù giam sang 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Tối muộn ngày 11/11, ông Châu Văn Mỹ sau khi nhậu xong, đã chủ động lái ô tô đến gặp nữ bị cáo D.H.T tại nhà nghỉ Chí Hiếu, nhận thêm 20 triệu đồng thì bị bắt quả tang./.