Hồi chuông cảnh báo!
Ngày 1/8/2022, quán karaoke ở 231 Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội bị thiêu rụi. Lực lượng cứu hoả ứng cứu dập tắt đám cháy nhưng 3 cán bộ, chiến sĩ công an cứu hoả đã hi sinh vô cùng đau thương. Còn nhớ cách đây gần 6 năm, vào tháng 11/2016 cũng tại quận Cầu Giấy xảy ra vụ cháy quán Karaoke ở phố Trần Thái Tông làm chết 13 người, là những cán bộ trẻ.
Ngày 6/9/2022, tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương xảy ra vụ cháy kinh hoàng làm chết 32 người. Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy là do chập điện và chết nhiều người còn do “khách chủ quan”, đóng kín cửa, cài chặt then hát, được cảnh báo cũng không lo chạy thoát thân. Chủ cơ sở là ông Lê Anh Xuân, 42 tuổi ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, hoạt động từ năm 2016 sau cho người khác thuê lại. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự theo Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
Trong nhiều năm qua, dịch vụ karaoke như “trăm hoa đua nở”. Có lẽ trên thế giới, hầu như không quốc gia, vùng lãnh thổ nào có nhiều cơ sở karaoke như ở Việt Nam. Tại các thành phố lớn, số lượng cơ sở karaoke được cấp phép có đến hàng nghìn, điển hình như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Ngoài những nơi được cấp phép, dịch vụ này còn tự phát trong các khách sạn, nhà hàng, quán bia. Một số thôn xóm vùng nông thôn cũng mở quán karaoke chẳng cần quy chuẩn, thiết kế theo quy định nào, từ đó tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ.
Sự việc đau lòng các vụ cháy quán karaoke làm chết hàng trăm người, thiệt hại vô cùng lớn về tài sản, sự hi sinh của cán bộ, chiến sĩ ngành phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn thời gian qua là hồi chuông cảnh báo về công tác PCCC tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.
Tiêu chí phòng, chống cháy nổ phải đặt lên hàng đầu
Theo quy định của luật pháp, karaoke, vũ trường là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện không thiết yếu. Yêu cầu đặt ra là phải quản lí chặt chẽ với các điều kiện nghiêm ngặt, an toàn về cháy nổ phải đặt lên hàng đầu.
Để được cấp phép hoạt động, cơ sở karaoke phải đáp ứng các điều kiện về diện tích xây dựng, bảo đảm về phòng chống cháy nổ, khả năng thoát hiểm và cam kết thực hiện các quy định của ngành văn hoá, về an toàn trật tự xã hội và không gây ô nhiễm tiếng ồn. Sau khi các lực lượng kiểm tra, bảo đảm điều kiện, UBND địa phương quyết định cấp giấy phép hoạt động.
Tuy nhiên, trong thực tế rất nhiều cơ sở karaoke chưa hoàn thiện vẫn được cấp phép do các cơ quan chức năng buông lỏng quản lí đối với lĩnh vực rất nhạy cảm này. Hiện tượng dễ dãi, bảo kê, dung túng, nể nang thường diễn ra!?
Vừa qua, TP Hà Nội kiểm tra 1.400 cơ sở thì 50% (tức là trên đưới 700 cơ sở) chưa bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, xử phạt hành chính 314 cơ sở là đáng báo động. Ngay cơ sở karaoke An Phú (Bình Dương) đã 5 lần xử phạt hành chính 35 triệu đồng nhưng kiểm tra rồi, xử phạt rồi đâu lại vào đấy. TP Hồ Chí Minh cũng đang tổng kiểm tra, ít ngày qua PC07 Công an thành phố đã xử phạt 90 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 300 triệu đồng. Rất nhiều cơ sở như thế thì xảy ra cháy là điều dễ hiểu.
Ngoài việc không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy thì nhiều cơ sở karaoke thường vi phạm về hoạt động quá giờ quy định, không kí hợp đồng lao động và cấp biển tên cho nhân viên phục vụ, có nơi sử dụng trái phép chất ma tuý, đồ uống có chất kích thích hoặc có cả hoạt động mại dâm…
Về mặt quản lí Nhà nước, lĩnh vực này loáng thoáng quy định trong một số bộ luật, luật, văn bản quy phạm pháp luật do nhiều ngành điều chỉnh chưa minh bạch trách nhiệm chính thuộc chính quyền địa phương, ngành công an hay ngành văn hoá mà hiện đang đan xen về chức năng, nhiệm vụ nên khi xảy ra cháy lớn chỉ có Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn vào cuộc giải quyết, điều tra khởi tố, còn các ngành khác và chính quyền sở tại chủ yếu thăm hỏi mà thôi.
Mặt khác, hầu hết các tỉnh, thành phố vẫn chưa có quy hoạch về karaoke (trừ các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hoá, An Giang, Bình Thuận), ngành xây dựng cũng chưa ban hành quy chuẩn xây dựng phòng ốc, sử dụng vật liệu, kiến trúc, hệ thống thoát hiểm… Do không có quy hoạch, đặc biệt ở các thành phố lớn cấp phép tràn lan điển hình như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng,… nên chưa thiết lập được trật tự kỉ cương trong quản lí loại hình hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá như karaoke, vũ trường theo định hướng hoạt động lành mạnh, thiết thực, phù hợp thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội địa phươmg.
TP Hà Nội trong việc quản lí đầu tư và hoạt động karaoke còn bộc lộ sự buông lỏng nên xảy ra nhiều vụ cháy thảm khốc. Hội đồng Nhân dân thành phố khoá XIV từng tranh luận về karaoke là dịch vụ văn hoá hay dịch vụ kinh tế nên có quan điểm để cho nó tự phát triển theo nhu cầu, không cần quy hoạch, không chi ngân sách đầu tư quản lí. Vì thế, Hà Nội bung ra hàng nghìn cơ sở karaoke một cách dễ dàng và cũng là địa phương bị “bà hoả” thiêu rụi nhiều cơ sở nhất.
Không biết thu ngân sách từ loại hình dịch vụ này liệu có đủ bù đắp sự thiệt hại về người, tài sản, đầu tư xe, thiết bị cứu hoả, trả lương cho lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn và biết bao chi phí khác sau khi các vụ cháy cơ sở karaoke liên tiếp xảy ra./.