6135e087a1e5e7001996e8c3-640-1641372768.jpeg

Ảnh minh hoạ: AP

Công bố kết quả thử nghiệm sơ bộ trong một cuộc họp báo hôm 4/1, Thủ tướng Bennett cho biết mũi tiêm ngừa COVID-19 thứ tư “rất có thể sẽ giúp gia tăng đáng kể khả năng chống lại nguy cơ nhiễm bệnh, nhập viện và diễn biến nặng”.

“Khoảng một tuần sau khi tiêm liều thứ tư, chúng tôi thấy lượng kháng thể ở người được tiêm tăng gấp 5 lần”, ông Bennett nói với các phóng viên tại Trung tâm Y tế Sheba ở phía đông Tel Aviv.

“Rõ ràng điều này sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ cao hơn so với không dùng liều thứ tư, cả trong việc ngăn chặn nguy cơ lây lan virus, nguy cơ nhiễm bệnh và chuyển nặng”.

Cuộc thử nghiệm được Israel tiến hành từ cuối tháng 12 trên 150 nhân viên tại Trung tâm Y tế Sheba. Mặc dù nhóm nhân viên này đã được tiêm 3 liều Pfizer trước đó, nhưng mức độ kháng thể của họ đã giảm đáng kể trong khoảng 4 tháng sau khi tiêm liều cuối cùng.

Sau mũi tiêm thứ tư, nhóm tham gia thử nghiệm cũng chỉ ghi nhận những tác dụng phụ tương tự liều thứ ba như đau vết tiêm, sốt, đau đầu.

Tại Israel, số ca mắc mới hằng ngày đã tăng hơn 10 lần trong tháng qua. Số ca bệnh nặng cũng tăng nhưng với tốc độ chậm hơn rất nhiều.

Sự lây lan nhanh chóng của các biến thể như Delta và Omicron được cho là đã làm giảm khả năng bảo vệ của các loại vắc xin có sẵn, vốn được bào chế dựa trên virus đời đầu. Tình trạng này khiến các quốc gia buộc phải cân nhắc triển khai mũi tiêm tăng cường, trong đó Israel là quốc gia đi đầu trong việc thử nghiệm tính an toàn của mũi tiêm thứ tư. Các chính sách của Israel liên quan việc tiêm các mũi tăng cường được các nước khác rất quan tâm.

Israel đã bắt đầu tiêm liều thứ tư cho công dân trên 60 tuổi, những người bị suy giảm miễn dịch và nhân viên y tế từ ngày 31/12, ngay cả khi chưa có kết quả thử nghiệm./.