Tại đối thoại, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi nhấn mạnh, mối quan hệ đối tác toàn diện Indonesia - Australia ngày một phát triển mạnh mẽ, ngay cả trong những thời điểm khó khăn. Indonesia đánh giá cao hỗ trợ của Australia trong thời gian đại dịch, bao gồm cung cấp 1 triệu liều vắc xin AstraZeneca, máy thở, bình oxy và các vật tư y tế khác. Hai quốc gia bày tỏ sự quyết tâm cùng vượt qua đại dịch, góp phần hướng tới khả năng phục hồi sức khỏe trong khu vực.
Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi đã điểm lại các nội dung được thảo luận trong cuộc họp. Thứ nhất, về quan hệ song phương, hai bên tập trung thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, đặc biệt là tối đa hóa lợi ích của "Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia-Australia (IA-CEPA) như một công cụ quan trọng để tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa Indonesia và Australia. Thương mại song phương giữa hai quốc gia tăng đáng kể trong nửa đầu năm 2021, từ 3,52 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái lên 5,83 tỷ USD.
Thứ hai, hai bên cam kết tham gia nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Indonesia nhắc lại cam kết của nước này trong việc tăng cường quan hệ với các nước Thái Bình Dương thông qua Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF).
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Peter Dutton nhấn mạnh, “Indonesia và Australia phải trở thành mỏ neo của sự hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi đang “ngày càng có nhiều tranh chấp”. Tại đối thoại, các Bộ trưởng cũng trao đổi quan điểm hợp tác cụ thể trong việc thực hiện “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Về tình hình Myanmar, Indonesia và Australia cam kết đóng góp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar. Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của “5 điểm đồng thuận” của ASEAN, trong đó quan trọng nhất là tạo điều kiện cho Đặc phái viên ASEAN tiếp cận tất cả các bên liên quan ở Myanmar để hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi đó, Australia đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết khủng hoảng ở Myanmar.
Về tình hình Afghanistan, Indonesia hiện đang theo dõi chặt chẽ tình hình trên thực địa và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một chính phủ hòa nhập ở Afghanistan, đồng thời yêu cầu thúc đẩy nhân quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em tại Afghanistan.
Indonesia hy vọng Afghanistan không được sử dụng làm nơi sản sinh và huấn luyện các tổ chức khủng bố cũng như các hoạt động đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Ngoại trưởng Australia, Marise Payne khẳng định Indonesia với tư cách là một quốc gia đa số theo đạo Hồi có vai trò quan trọng và tiếng nói mạnh mẽ trong các vấn đề như Afghanistan.
Tại đối thoại, hai bên đã ký các biên bản ghi nhớ hợp tác, bao gồm biên bản ghi nhớ về Chống khủng bố và Chủ nghĩa cực đoan bạo lực; Biên bản ghi nhớ về Hợp tác không gian mạng và Công nghệ mạng mới nổi và Thỏa thuận về Hợp tác Quốc phòng.
Trước khi tham dự đối thoại 2+2, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Prabowo Subianto đã có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Australia, Peter Dutton. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, bà Retno Marsudi đã có cuộc gặp riêng với Bộ trưởng Ngoại giao Australia, Marise Payen. Tại cuộc gặp, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác ba bên với các nước Thái Bình Dương, cung cấp nền tảng cho sự đóng góp chung lớn hơn vào phát triển kinh tế và con người của khu vực.
Chuyến thăm Indonesia của Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng quốc phòng Australia nằm trong chuyến công du 4 nước Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương bao gồm Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ nhằm tăng cường sự tham gia tích cực của Australia trong khu vực, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ với những người bạn thân thiết và các đối tác chiến lược./.