Chính phủ Indonesia thúc giục Hội đồng quân sự tại Myanmar cung cấp quyền cho Đặc phái viên ASEAN để tiếp cận tất cả các bên liên quan, thúc đẩy đối thoại toàn diện theo những điểm đồng thuận của ASEAN.

Trong một tuyên bố bằng văn bản sau buổi làm việc với Hạ viện Indonesia ngày hôm qua (2/9), Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết, các Ngoại trưởng 10 nước thành viên ASEAN đã đạt được “5 điểm đồng thuận” tại hội nghị cấp cao đặc biệt hồi tháng 4 vừa qua, trong đó có việc bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN tại Myanmar để giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng do cuộc đảo chính ở Myanmar.

Indonesia hối thúc Myanmar cung cấp quyền tiếp cận cho Đặc phái viên ASEAN
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, bà Retno Marsudi (Nguồn : Antara)

Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei Erywan Yusof đã được bổ nhiệm làm Đặc phái viên ASEAN tại Myanmar. Đây là một bước đi cần thiết để tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại toàn diện tại quốc gia này. Ngoại trưởng Indonesia cho rằng, thách thức chính với Đặc phái viên ASEAN là làm sao có thể tiếp cận đối thoại với tất cả các bên, đến thăm tất cả các khu vực ở Myanmar một cách an toàn. Bà kêu gọi Hội đồng quân sự Myanmar cho phép Đặc phái viên ASEAN tiếp cận các bên để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Indonesia cũng yêu cầu đẩy mạnh hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar để đảm bảo an toàn và phúc lơị của người dân. Ngày 18/8, ASEAN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến huy động hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar. Theo đó, hỗ trợ nhân đạo được cung cấp trong hai đoạn giai bao gồm hoạt động hỗ trợ nhân đạo “cứu sinh”, tập trung vào ứng phó đại dịch Covid-19; và triển khai các biện pháp hỗ trợ nhân đạo “ổn định cuộc sống”. Hội nghị đã cam kết cung cấp thiết bị y tế trị giá 200.000 USD. Dự kiến, giai đoạn đầu tiên của chương trình hỗ trợ nhân đạo sẽ được đưa ra vào đầu tháng 9 và giai đoạn 2 sẽ được thực hiện sau khi tiến hành các đánh giá liên quan.

Hồi đầu tháng 8, Đặc phái viên của ASEAN về Myanmar Erywan Yusof cho biết sẽ tiếp xúc và thuyết phục tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar tiến tới đối thoại, đồng thời ưu tiên giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang bùng phát tại quốc gia thành viên này do đại dịch Covid-19./.