Hai năm ròng rã sống trong viện với đủ thứ bệnh, chị Vũ Thị Bích Thủy (SN 1978, trú tại Vạn Mỹ, Ngô Quyền, Hải Phòng) trải qua 19 ca phẫu thuật.

img-bgt-2021-suot-2-nam-qua-chi-vu-thu-thuy-da-tra-iqua-19-lan-phau-thuat-chi-phi-dieu-tri-ton-kem-khien-gia-canh-khanh-kiet-1649947120-width1280height784-1650077159.jpg
Suốt 2 năm qua,chị Vũ Thị Bích Thủy đã trả qua 19 lần phẫu thuật, chi phí điều trị tốn kém khiến gia cảnh khánh kiệt (Trong ảnh: Chị Thủy điều trị tại Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương)

Ròng rã “lấy viện làm nhà”

Tháng 6/2020, sau khi xuất hiện vết bầm tím trên da, đi tiểu có màu hồng, máu mũi chảy ồ ạt không ngừng, chị Vũ Thị Bích Thủy được gia đình đưa vào Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thăm khám.

Tại đây, chị được chẩn đoán “bất thường chức năng tiểu cầu”. Từ đó đến nay, vợ chồng chị ròng rã “lấy viện làm nhà”.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, bệnh nhân vốn sức khỏe không tốt, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật trước đó và có tiền sử thoát vị đĩa đệm.

Trong quá trình tìm nguyên nhân, các bác sĩ cũng trao đổi hội chẩn với nhiều chuyên gia chuyên khoa về thận, khớp, da liễu, huyết học trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tất cả đều cho rằng bệnh nhân chỉ “bất thường chức năng tiểu cầu” chứ không xác định rõ được nguyên nhân.

Vì vậy, chị Thủy buộc phải nằm viện khá lâu, tình trạng bệnh dai dẳng, kéo theo chi phí tốn kém.

Suốt hơn chục năm qua, chị Thủy mắc nhiều bệnh khác nhau, phải lặn lội đi thăm khám, điều trị tại không biết bao nhiêu bệnh viện.

Đến lúc nhận được kết luận “bất thường chức năng tiểu cầu”, xuất huyết khó kiểm soát, chị Thuỷ gần như suy sụp.

Nhắc đến cậu con trai út đang học lớp 4, dòng nước mắt lại nhòe trên khuôn mặt chị Thủy: “Thương con xa hơi ấm của bố mẹ suốt hai năm ròng rã. Lúc tôi trở lại viện, con ôm chặt mẹ không muốn rời”.

Ngày chị nhập viện, cậu con trai lớn đang là sinh viên Đại học Hàng hải, vừa học vừa đi bán trà sữa, thay bố mẹ chăm sóc em.

Hai năm liên tiếp nằm viện, chị Thủy chỉ được về nhà khoảng chục ngày trong dịp làm hồ sơ chuyển tuyến. Tết năm trước, khi mới về chỉ vài ngày, chị bị xuất huyết chân răng, xuất huyết dưới da và tiểu máu nhiều, chồng chị lại xấp ngửa đưa vợ vào viện.

Tết vừa rồi, chị được về nhà lâu nhất nhưng lại dính Covid-19, sức khỏe lại càng yếu. Những tưởng bệnh tật buông tha, không ngờ căn bệnh thoát vị đĩa đệm tái lại gây chèn ép khiến chị tê bì, yếu hai chân.

Và gần đây, tổn thương rách màng cơ cột sống, chảy máu ở tủy và cột sống của chị Thủy trở nặng. Vốn điều trị nội khoa, giờ nguy cơ phẫu thuật cột sống nếu tình trạng chảy máu gia tăng là rất cao. Toàn bộ sinh hoạt của chị hiện nay trông chờ vào chồng.

Khánh kiệt vì lo chữa chạy

Tính đến giờ, chị Thủy đã trải qua 19 lần đụng dao kéo, khi mổ ruột thừa, dính ruột, lúc mổ u, mổ viêm xoang, mổ chân, tiểu phẫu sinh thiết hạch, sinh thiết da…

“Có những lần phải mổ đi, mổ lại 2 - 3 lần. Bác sĩ có nói nếu giờ máu chảy nhiều ở tủy và cột sống thì phải mổ cột sống ngay. Thế nhưng, việc đối mặt với ca phẫu thuật này không dễ dàng”, chị Thủy tâm sự.

“Lấy viện làm nhà” suốt hai năm, chịu sự đớn đau do bệnh tật mang lại, ngày nào chị Thủy cũng phải truyền bịch tiểu cầu 500ml, có ngày truyền nhiều hơn nếu vẫn chảy máu nhiều… Chi phí điều trị mỗi tháng cũng ngót nghét 50 triệu đồng, có những đợt bệnh trở nặng chi phí còn cao hơn.

Chị Thủy phải nhập viện đồng nghĩa việc chồng chị phải ngừng việc buôn bán nhỏ tại nhà, còn chị cũng dừng việc giảng dạy môn tiếng Anh, nguồn thu nhập cũng vì thế không còn nữa.

“Trước kia, tằn tiện mỗi tháng hai vợ chồng cũng kiếm chừng 20 triệu đồng, đủ lo cho cuộc sống và 2 đứa con ăn học. Thế nhưng, số tiền dành dụm đổ hết vào chữa bệnh cũng chưa đủ, phải vay mượn thêm. Mà giờ cũng chẳng biết vay đâu nữa”, chị Thủy buồn bã.

Anh Nguyễn Thành Duy, chồng chị Thủy cho biết thêm: “Mặc dù được anh chị em, bạn bè hỗ trợ nhiều, nhưng với chi phí chữa bệnh như hiện nay hai vợ chồng khó lòng xoay xở nổi”.

Nói về “cái khó” của bệnh nhân Thủy, BS. Mai cho hay, dù chưa xác định rõ nguyên nhân, song việc không điều trị tận gốc rễ “bất thường chức năng tiểu cầu” gây khó khăn cho việc điều trị các bệnh lý, triệu chứng liên quan khác.

Chẳng hạn việc điều trị tiểu ra máu dù kéo dài khá lâu cũng chỉ bớt đi, bởi để xử lý triệt để cần làm can thiệp. Tuy nhiên, bệnh nhân lại không thể liền vết thương như các bệnh nhân khác nên rất khó thực hiện.

Với tổn thương cột sống hiện nay cũng vậy, giải pháp tối ưu là phẫu thuật để giúp bệnh nhân có thể tự đi lại được, không phụ thuộc vào người khác, nhưng điều đó dường như “bất khả thi”.

Theo BS. Mai, bệnh nhân vẫn xuất huyết dưới da, tiểu ra máu, khó có thể tự phục vụ, hạn chế đi lại. Dù bệnh nhân được hưởng BHYT 80%, nhưng chi phí y tế vẫn rất cao… Với tình trạng hiện tại, việc duy trì điều trị không tính bằng ngày, bằng tuần mà bằng năm. Điều này khiến bệnh nhân và gia đình ngày càng kiệt quệ vì chi phí quá lớn./.