nguoinghe.vn
Núi Con Mèo (núi Dũng Quyết) tại TP.Vinh. Ảnh: Hải Đăng

Truyền thuyết về núi Con Mèo

Theo các nhà địa lý phong thuỷ, núi Con Mèo có địa thế long chầu, hổ phục, voi quỳ, ngựa phi, có thế đất hùng vĩ, án ngự sông Lam và con đường thiên lý, giao thông thuỷ bộ thuận lợi.

Dân gian xứ Nghệ có câu chuyện cổ tích về người khổng lồ có tên gọi ông Đùng. Ông Đùng có sức mạnh phi thường, có công lấp biển, đào sông, đắp dãy núi Hồng Lĩnh với 99 ngọn.

Chuyện dân gian kể, thủa khai thiên lập địa, nước biển dâng cao. Những trận sóng thần hung dữ tràn ngập đồng bằng đất liền, cuốn mọi thứ ra biển.

Thương những người dân  vô tội, hiền lành, tốt bụng, xót sinh linh vạn vật lầm than, hàng ngày ông Đùng lên dãy Trường Sơn đào núi gánh về đồng bằng đắp thành dãy núi Hồng Lĩnh như thành luỹ chắn ngang biển Đông. Sau nhiều ngày gánh núi đắp thành dãy Hồng Lĩnh 99 ngọn, ông Đùng cố gánh ngọn núi 100.

Gánh núi gần đến dãy Hồng Lĩnh, do mệt ông đặt xuống đất nghỉ ngơi rồi ngủ thiếp đi. Một tiếng nổ long trời lở đất làm ông Đùng tỉnh giấc. Mở mắt ông thấy đất nứt ra, một dòng sông xanh trong như dải lụa chảy từ Tây sang Đông ra biển. Ông định gánh núi lội qua sông nhưng không được vì ngọn núi đã gắn chặt vào đất liền.

Hình dạng núi giống con mèo phủ phục, người xưa đặt tên núi Con Mèo. 

Nhân vật ông Đùng, người khổng lồ được nhân dân lập đền thờ ở phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, (Hà Tĩnh).

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào thời Lê Trung hưng có đặt phủ Yên Trường, ở huyện Chân Phúc, là hậu phương của quân đội Lê –Trịnh. Vì thế nhiều lần các tướng nhà Mạc như Nguyễn Quyện, Mạc Kính Điển đem quân đến đánh phủ Yên Trường, xâm phạm Nghệ An.

Quân đội Lê Trung hưng sai các tướng Nguyễn Bá Quýnh, Phan Công Tích, Hoằng quận công…chống trả quyết liệt. Nhiều trận thuỷ chiến trên sông Lam, bộ chiến miền đất dưới chân núi Con Mèo, dãy Hồng Lĩnh...diễn ra ác liệt, máu chảy đầu rơi.

Trong cuộc nội chiến Trịnh- Nguyễn phân tranh, vùng đất chung quanh núi Con Mèo là bãi chiến trường.  

Sử sách chép, tháng 4 âm lịch năm 1655, quân Nguyễn do Chiêu Vũ, Thuận Nghĩa bất ngờ đánh chiếm Bố Chính (Quảng Bình), Kỳ Hoa (Kỳ Anh), Thạch Hà, Đại Nài (Hà Tĩnh).

Quân Trịnh thất thủ chạy ra phủ Yên Trường, huyện Chân Phúc (nay là thành phố Vinh) lập đồn bốt, doanh trại phòng thủ. Chúa Trịnh lần lượt sai tướng giỏi như Trịnh Trượng, Trịnh Toàn, Trịnh Căn vào Nghệ An chống trả quân Nguyễn. Đóng quân ở Yên Trường- Vĩnh Doanh.

Đền Phượng Hoàng Trung đô trên đỉnh núi thiêng

nguoinghe.vn
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết. Ảnh: Vĩnh Khánh

Lúc đó, Vĩnh Doanh (thành phố Vinh) là doanh trại đóng quân phòng thủ. Núi Con Mèo được Trịnh Toàn, Trịnh Căn trèo lên quan sát, theo dõi động tĩnh của quân Nguyễn do Chiêu Vũ, Thuận Nghĩa chỉ huy đóng ở đỉnh núi Lần, đất An Lạc huyện Nghi Xuân.

Thời Tây Sơn, vua Quang Trung xây kinh đô ở Vĩnh Doanh, (thành phố Vinh).

Sách Hoàng Lê nhất thống chí chép: “Vua Quang Trung cho rằng, Nghệ An ở giữa nước, đường sá từ Nam ra, từ Bắc vào đều vừa bằng nhau, quê tổ tiên mình ở đấy, bèn sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, gạch ngói để xây dựng cung phủ lâu dài.

Đắp thành đất chung quanh và sai lính đào đá ong ở địa phương khác về xây thành trong. Dựng toà lầu rồng 3 tầng cung điện Thái Hoà, hai dãy hành lang để phòng khi dùng đến khi có lễ triều hạ. Thành này được gọi là Phượng Hoàng Trung Đô hoặc Trung Kinh Phượng Hoàng thành”.

Đầu năm 1802, dưới chân núi Con Mèo đã diễn ra trận chiến tử thủ giữa quân Tây Sơn và quân nhà Nguyễn.

Đầu thế kỷ XX, núi Con Mèo là địa bàn hoạt động bí mật của các sĩ phu yêu nước, gương cao ngọn cờ chống thực dân Pháp đô hộ. Tháng 7 năm 1925, các sĩ phu yêu Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên, Hà Huy Tập, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp…bí mật họp ở núi Con Mèo, tiến hành thành lập Hội Phục Việt, sau đổi tên Hội Hưng Nam, rồi Tân Việt Cách mạng Đảng.

Năm 1929, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai…thành lập Đông Dương cộng sản Liên đoàn, đặt trụ sở chính ở Bến Thuỷ, dưới chân núi Con Mèo.

Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản. Ngay sau khi Đảng ra đời, đã diễn ra phong trào Xô –viết Nghệ Tĩnh làm thực dân Pháp hoảng sợ. Ngày 1.5.1930, công nhân nhà máy diêm, nhà máy cưa tại ngã ba Bến Thuỷ dưới chân núi Con Mèo biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ làm, mở đầu cho cao trào Xô- viết.

Dưới chân núi Con Mèo là nhà máy điện Vinh, di tích lịch sử Quốc gia.

Ngày 15.6.1957, nhà máy điện vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và căn dặn: “Các cô, các chú được giao quản lý tài sản quý báu này. Các cô các chú cố gắng lên, đừng để cảnh nghèo nàn, lạc hậu trên quê hương Xô –viết Nghệ Tĩnh chúng ta”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mảnh đất Bến Thuỷ, núi Con Mèo, thành phố Vinh là trọng điểm địch đánh phá ác liệt.

Đến với  núi Con Mèo vào mùa xuân, dưới làn mưa bay nhè nhẹ, dọc theo triền núi bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình và trèo lên ngọn núi hùng vĩ viếng đền vua Quang Trung trên núi, hoặc đi xem hồ núi Dũng Quyết và thưởng thức những đặc sản xứ Nghệ đậm đà tình nghĩa

Theo Đặng Việt Tường - laodong.vn