nguoinghe.vn
Công ty Cổ phần Xây dựng Văn Sơn ở xóm 8, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: NĐT

Năm 2022, doanh nghiệp này bị phạt 300.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 5 và điểm a Khoản 6 Điều 37 Nghị định số 36/2000/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ; Khoản 4 Điều 23 và Khoản 2 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trước đó, đoàn kiểm tra UBND huyện Quỳnh Lưu đã làm việc, xác minh, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị UBND tỉnh xử phạt do công ty đã khai thác khoáng sản (đá) có tổng diện tích (theo bề mặt) vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo Quyết định số 2516/QĐ-UBND.TN ngày 30/6/2011 của UBND tỉnh Nghệ An về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản) vượt từ 1 ha đến dưới 1,5 ha (vượt hơn 1,2ha); vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu) từ 3 m đến dưới 5 m (vượt 4 m) trong phạm vi diện tích từ 0,1 ha trở lên, quy định tại điểm a Khoản 6 Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ. 

Ngoài hình thức xử phạt chính, Cty Văn Sơn còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn theo quy định tại điểm a Khoản 10 Điều 37 Nghị định số 36/2020 của Chính phủ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong quá trình hoạt động trên các lĩnh vực, doanh nghiệp đã chấp hành không nghiêm túc các quy định, đã bị các đoàn kiểm tra và cấp có thẩm quyền xử phạt. 

Năm 2019, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Xây dựng chủ trì và đại diện chính quyền các huyện, thị xã, kiểm tra việc chấp hành thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công, việc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, các quy định về an toàn, vệ sinh lao động và các vi phạm pháp luật về lao động đối với hoạt động khai thác tại các mỏ đá xây dựng.

Trong đợt kiểm tra này, tại lèn Trụ Hải, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, có một số doanh nghiệp khai thác đá đang hoạt động nhiều năm, trong đó Cty Văn Sơn vi phạm đã bị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 60.000.000 đồng, do “thực hiện khai thác không đúng trình tự khai thác và hệ thống khai thác xác định trong thiết kế mỏ được duyệt”.

Cũng trong năm 2019, đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản và an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản do Sở Tài nguyên và Môi trường làm trưởng đoàn đã chỉ ra nhiều tồn tại của công ty gồm: Nợ tiền ký quỹ phục hồi môi trường 14.035.848 đồng; chưa có giấy phép xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (quan trắc thiếu tần suất), chưa lắp trạm cân tại khu vưc mỏ và camera khu bãi thải, không thực hiện đầy đủ quy định về an toàn lao động hoạt động khai thác mỏ (bờ moong khai thác còn nham nhở, không phân tầng khai thác, còn nhiều đá treo), chưa phân loại lao động làm nghề độc hại nguy hiểm, chưa tự tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại cơ sở.

Không dừng lại ở đó, trong các năm 2018 - 2020 khi tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) dân tộc Ơ Đu, giai đoạn 2016 - 2025” của Chính phủ, quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ những tồn tại và những dấu hiệu tiêu cực, lãng phí. Sau khi người dân tố cáo, báo chí phản ánh (Báo Thanh tra đã có loạt bài điều tra 5 kỳ), cơ quan chức năng vào cuộc đã xác minh, thu thập hồ sơ tài liệu để điều tra đi đến kết luận sai phạm đến mức phải chuyển cơ quan cảnh sát điều tra.

Cụ thể, trong quá trình thực hiện đề án, một số cán bộ được giao nhiệm vụ của Ban Dân tộc tỉnh đã thông đồng, cấu kết với các cá nhân, doanh nghiệp để "trục lợi chính sách" tham ô tài sản.

Quá trình điều tra, mở rộng vụ án “tham ô tài sản” xảy ra tại Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, trong 2 năm 2020 - 2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã có quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó đã thực hiện lệnh khởi tố bị can đối với Lê Văn Sơn (SN 1962) và Nguyễn Đình Thịnh (SN 1981) đều trú tại xóm 20, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, đồng thời là Giám đốc và Phó Giám đốc Cty Văn Sơn.

Diễn biến liên quan này, doanh nghiệp do ông Lê Văn Sơn đã trúng gói thầu cung cấp con giống (bò) thuộc hợp phần "hỗ trợ con giống gia súc có hiệu quả kinh tế cao". Tuy nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng gói thầu này giữa Ban Quản lý dự án của Đề án và đơn vị trúng thầu là Cty Văn Sơn đã "hô biến" để làm sai lệch các chỉ số vật nuôi, chất lượng con giống không đảm bảo và giá cả không đúng để trục lợi, tham ô trong quá trình nghiệm thu, quyết toán con giống... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách của Đảng đối với công tác dân tộc cũng như hiệu quả đề án đối với đồng bào dân tộc ít người của tỉnh cũng như cả nước.

nguoinghe.vn
Ông Lê Văn Sơn (áo trắng bên trái), Giám đốc Công ty là bị can liên quan vụ án mà Công an Nghệ An điều tra, khởi tố trong năm 2020- 2021. Ảnh: PV

Edit từ Xuân Thống - thanhtra.com.vn