Những năm gần đây dọc bờ biển huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), tình trạng biển xâm thực đất liền nghiêm trọng, nhiều hecta rừng phòng hộ bị mất do thiên tai. Nỗi lo biển "nuốt" đất liền đang đe dọa cuộc sống người dân nơi đây.
Biển lấn làng, rừng phòng hộ tan hoang
Theo tìm hiểu của PV, huyện Nghi Xuân có khoảng 20km bờ biển và gần chục năm trở lại đây, bờ biển đang bị lấn sâu vào đất liền khiến hàng trăm hecta rừng phòng hộ tan hoang. Tình trạng này mỗi năm một tăng lên khiến người dân sống gần biển vô cùng lo lắng.
Anh Trần Văn Hùng (42 tuổi, ở xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân) cho biết: "Ngày trước, từ rừng phòng hộ ra đến biển dài lắm nhưng vài năm gần đây biển ngày càng lấn sâu vào bờ. Đặc biệt, sau những cơn bão lớn rừng phòng hộ bị tàn phá nặng nề, mức độ xâm thực của biển ngày càng khủng khiếp hơn".
Theo anh Hùng, khu vực bờ biển giáp địa phận xã Đan Trường và Xuân Phổ trước đây vốn là một cồn cát cao và rừng phi lao hàng chục năm tuổi, thế nhưng giờ đây cả rừng lẫn cồn cát đều hoang tàn. Bên bờ biển trải dài là lổm nhổm gốc cây bị bật gốc do những cơn bão gây ra.
Chỉ tay về những bãi cát bị xói lở, anh Hà (một ngư dân người xã Đan Trường) cho hay: "Mỗi năm biển lại lấn một ít, nhất là từ sau cơn bão số 10 năm 2017, tình trạng sạt lở diễn ra trầm trọng hơn, có đoạn biển đã lấn vào đất liền khoảng 70-80m. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chẳng bao lâu nữa biển sẽ "nuốt" trọn những ngôi làng ngay sát bờ. Người dân thì rất hoang mang, lo lắng nhưng cũng chẳng biết làm cách nào. Nói thật, chúng tôi đi cũng dở, còn ở thì chồng chất những lo lắng".
Tình trạng biển lấn sâu vào đất liền dẫn đến việc đất nông nghiệp cũng bị nhiễm phèn, các loại cây trồng cũng khó phát triển được, mọi nguồn thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào nghề biển của ngư dân cũng gặp nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở ven biển phải rời mảnh đất cha ông để lại chuyển vào nơi ở mới. Mặc dù người dân và chính quyền địa phương đã nỗ lực trồng cây phi lao, rừng chắn sóng nhiều lần nhưng đều thất bại vì cứ mỗi đợt bão về, triều cường đều cuốn đi hết.
Người dân lo lắng
Những cây bị bật gốc nằm trơ trọi.
Hiện tượng biển xâm thực đất liền ở huyện Nghi Xuân diễn ra mạnh nhất khi triều cường kết hợp với gió mùa thổi mạnh tạo sóng lớn đổ vào bờ làm sạt lở, cuốn trôi đất và cây rừng. Đối với người dân sinh sống ở vùng ven biển, rừng phòng hộ là lá chắn xanh bảo vệ đất đai làng mạc, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, mỗi năm sóng biển lại cuốn trôi đi nhiều diện tích đất và rừng phòng hộ. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục xảy ra thì người dân nơi đây không thể yên tâm sinh sống.
Theo quan sát của PV, dọc bờ biển các xã Xuân Hội, Đan Trường, Xuân Hải… biển lấn sâu vào gần rừng phòng hộ. Sóng biển còn cuốn trôi rừng phi lao nhiều năm tuổi, các cây bị đổ ngã nằm bật gốc trơ trọi. Nhiều địa phương đã trồng phi lao con xen vào cây lớn nhưng hầu hết đều bị chết khô. Có nhiều cánh rừng phòng hộ cây đã quá già lá khô hết chỉ còn mỗi thân.
Ông Nguyễn Lán (ở Xuân Hội) cho hay: "Cứ đến tháng 8 hằng năm, mỗi khi có cơn bão đi qua thì sóng biển lại cuốn trôi hết đất đai, rừng cây phòng hộ. Trước đây, làng chúng tôi ra phía ngoài kia, nhưng đến nay đã bị thu hẹp lại rất nhiều. Chúng tôi lo sợ một ngày nào đó biển sẽ "nuốt" trọn dân làng mất".
Cùng chung tâm trạng lo lắng, một ngư dân xã Xuân Hội chia sẻ: "Nhà tôi chỉ cách biển chừng vài chục mét nên đến mùa mưa bão cả gia đình phải di tản đến nơi khác trú ngụ cho an toàn. Dân không chỉ mất nhà, mất đất sản xuất mà nguồn nước sinh hoạt cũng bị nhiễm mặn. Cuộc sống của người dân ở đây chỉ phụ thuộc vào nghề đi biển nên rất khó khăn. Nguyên nhân là do mưa bão ngày càng diễn biến phức tạp, cửa sông bị bồi lấp, rừng phòng hộ ngày một bị thu hẹp, thậm chí có nhiều người dân còn chặt rừng phòng hộ để về phục vụ việc cá nhân".
Ông Dương Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Đan Trường cho biết, nguyên nhân khiến tình trạng biển lấn đất liền, rừng phòng hộ bị tàn phá là do những năm gần đây bão lũ gây ra. "Hiện nay trên dọc bờ biển trên địa bàn đang thi công xây dựng kiên cố bằng bê-tông, một số đoạn có tường chắn sóng. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng đã lên phương án trồng lại cây con để phục hồi rừng bị thiên tai tàn phá".
Trong khi đó, ông Trần Sông Hương - Chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho hay, cách đây gần 3 năm năm (cơn bão số 3 năm 2017) đã tàn phá nặng nề, rừng phòng hộ cũng bị đổ gãy nhiều. Chúng tôi đã nhiều lần trồng cây phi lao con nhằm phục hồi những cây bị đổ gãy nhưng đều chết khô hết".
Tình trạng biển xâm thực đất liền đang hiện hữu, nó trở thành mối lo thường trực của người dân ven biển. Tuy nhiên, để khắc phục thực trạng này rất khó do thiên tai những năm gần đây diễn ra quá khắc nghiệt. Hiện nay, sự an toàn của người dân mỗi mùa mưa bão đang là mối lo lắng cho chính quyền nơi đây. Khi có dự báo mưa bão, lũ lụt lớn, phương án của chính quyền địa phương là di dời tạm thời người dân đi lánh nạn nơi khác. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là giải pháp tạm thời, người dân và chính quyền nơi đây mong muốn kiên cố hóa hệ thống đê biển để đảm bảo an toàn.