Gần đây, tình trạng sạt lở bên bờ sông Lam (đoạn chảy qua địa phận xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) ngày càng nghiêm trọng. Nhiều diện tích đất nông nghiệp bị cuốn trôi khiến người dân lo lắng.
 
Nước mắt người nông dân
 
Tìm hiểu được biết, khúc sông Lam chảy qua địa phận thôn 1,3 (xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) có chiều dài khoảng 3km. Từ nhiều năm nay, bờ sông ở khu vực trên bị sạt lở nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa lũ. Mỗi lần mực nước sông dâng cao, toàn bộ bãi bờ bị nhấn chìm trong nước. Theo thời gian, nước ngấm vào đất khiến độ kết dính yếu đi và cứ thế, nhiều diện tích đất canh tác của nông dân bị trôi tuột xuống lòng sông.
 
Xuân Lam được biết tới là xã thuần nông với gần như 100% người dân sản xuất nông nghiệp, bám ruộng đồng để sinh kế. Thế nhưng, nhiều năm qua diện tích đất nông nghiệp ở địa phương này đang bị thu hẹp dần do tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra ở mức báo động.
 
Nhìn vào những mảng đất lớn bị sạt lở, ông Trần Văn Hanh (trú tại thôn 3, xã Xuân Lam) không khỏi xót xa. Ông Hanh cho biết, cứ mỗi năm sông Lam lại lấy đi một phần không nhỏ đất canh tác của người dân. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời thì chẳng bao lâu nữa, những bãi bồi bên bờ sông Lam thuộc địa phận thôn 1, thôn 3 của xã sẽ "biến mất" vĩnh viễn.
 
Chỉ tay vào ruộng ngô nhà mình, ông Hanh thở dài: "Cách đây mấy năm, ruộng nhà tôi rộng gần gấp đôi hiện nay, nhưng vì tình trạng sạt lở mà nay diện tích chẳng còn là bao. Như năm ngoái, lũ lụt xảy ra triền miên, nhiều diện tích hoa màu của người dân nơi đây bị xóa sổ. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm có phương án xử lý để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế".
 
Còn bà Hương (ở thôn 1) cho hay: "Vào mùa mưa, nước sông Lam chảy xiết dẫn đến đất bờ sông dễ bị sạt lở. Nhiều diện tích đất của gia đình tôi bị cuốn trôi xuống sông Lam".
 
Ghi nhận thực tế của PV cho thấy, hiện 3km bờ sông Lam chảy qua địa phận xã Xuân Lam đều bị sạt lở. Nhiều đoạn dòng nước ăn sâu vào bờ tạo thành những hàm ếch, mỗi khi mưa xuống vô tình tạo thành những "cái bẫy" đe dọa tới tính mạng của người dân bất cứ lúc nào. Một số người dân nơi đây cho biết, tình trạng sạt lở đất ven bờ sông Lam bên cạnh do mưa lũ, còn có nguyên nhân do tình trạng khai thác cát tràn lan của nhiều đơn vị trước đây gây ra.
 
Chưa có phương án khắc phục


 
Lòng sông Lam đoạn chảy qua địa phận xã Xuân Lam mỗi năm khoét sâu vào đất nông nghiệp của dân một phần không nhỏ.
 
Nói về tình trạng trên, bà Nguyễn Thị Tuyết (ở thôn 1) cho biết: "Tôi cũng như nhiều người dân khác đã gắn bó với mảnh đất này hàng chục năm trời. Khi tôi còn nhỏ thì bờ sông cách nhà cả cây số, đi mãi mới đến. Thực tế bây giờ, khoảng cách từ nhà dân ra tới mép sông chỉ còn vài chục bước chân. Nếu tình trạng sạt lở trên không sớm được ngăn chặn thì đừng nói tới đất sản xuất mà ngay cả nhà cửa, tài sản của người dân cũng có thể bị dòng nước cuốn trôi bất cứ lúc nào. Bà con nơi đây sinh sống chủ yếu bằng việc sản xuất nông nghiệp, nay phương tiện chính là đất canh tác thì ngày càng bị thu hẹp trong khi dân số thì tăng, nên không biết sau này đời con cháu chúng tôi lấy gì để làm kế sinh nhai. Có thể vài ba năm nữa một số nhà dân ở đây sẽ phải di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng".
 
Nhiều hộ dân có đất canh tác dọc bờ sông Lam cũng cho biết, trước tình trạng sạt lở đất ven bờ sông Lam ngày một nghiêm trọng hơn, trong những cuộc họp tiếp xúc cử tri người dân đã liên tục đóng góp những ý kiến để các cấp, các ngành có hướng xử lý. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại thực trạng vẫn cứ thế tiếp diễn. Chính quyền cũng chưa có giải pháp nào cụ thể để giải quyết câu chuyện trên. Những người dân này ước tính, trước đây lòng sông Lam chạy qua địa phận xã Xuân Lam chỉ bằng một nửa hiện tại. Qua nhiều năm, lòng sông ở vị trí trên đã rộng ra thêm khoảng 40 - 50m.
 
Liên quan tới câu chuyện trên, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Phạm Xuân Đại - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lam cho biết, tình trạng sông Lam lấn đất nông nghiệp trên địa bàn đã xảy ra nhiều năm nay. Mỗi năm đất nông nghiệp của các hộ dân lại bị mất đi một phần. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc sản xuất của người dân toàn xã, nặng nhất là thôn 1 và thôn 3.
 
Theo ông Đại, nguyên nhân là do mùa mưa lũ diễn ra hàng năm, khí hậu biến đổi với nhiều biến động bất thường, dọc bờ sông lại chưa có đê kè. Chính quyền địa phương rất mong Nhà nước quan tâm, sớm xây dựng kè chắn sóng để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất.
 
"Qua nhiều cuộc họp hội đồng, tiếp xúc cử tri chính quyền đã có những đề xuất lên cơ quan cấp trên để xin dự án xây dựng đê kè. Đây là vấn đề lớn nên chính quyền xã không đủ năng lực tài chính để có thể chủ động triển khai dự án mà phải chờ nguồn kinh phí các cấp trên xét duyệt, phân bổ. Chúng tôi đã xin nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết", ông Đại thông tin.
 
Trước thực trạng trên, đề nghị các cấp, ban ngành tỉnh Hà Tĩnh sớm đưa ra được những giải pháp cụ thể nhằm giúp người dân giữ lại được đất sản xuất để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.