Chuyển đến nơi tái định cư, hơn 20 hộ dân làng chài xã Xuân Lam (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) phải đáp ứng yêu cầu xây nhà ở ổn định trong vòng 6 tháng.
 
Tuy nhiên, khi đã thực hiện theo cam kết, sau 5 năm, bà con Xuân Lam vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất.
 
Vay nợ xây nhà để được giao đất
 

 
Bà Trương Thị Vinh  – một trong 22 hộ tái định cư mong sớm được cấp bìa đất.
 
Cách đây 6 năm, bà con chài lưới ở xóm 8, 9 xã Hưng Lam (nay là xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) được tái định cư theo dự án di dân khẩn cấp khỏi vùng thiên tai, sạt lở... Đối với 22 hộ dân đây là dấu mốc “lịch sử” bởi niềm mơ ước, mong mỏi “lên bờ” đã thành hiện thực. 
 
Bà Trương Thị Vinh (SN 1973) nhớ lại: “Dân làm nghề chài lưới chúng tôi lấy nốc (thuyền) làm nhà nên khi được nhà nước cấp đất cho ở, bà con từ già đến trẻ mừng lắm.
 
Bà con thoát khỏi cảnh sống bấp bênh lo sợ mỗi mùa lụt. Tết đầu tiên được lên bờ chao ôi là phấn khởi vì bao nhiêu năm lênh đênh, có ai tới thăm nom, ra vào đâu. Con cháu đi học thuận tiện, bớt mặc cảm, tự ti...”.
 
Mỗi hộ dân được cấp 300m2 đất ở, với yêu cầu “giao đất phải làm nhà”. Để bảo đảm ổn định chỗ ở trong vòng 6 tháng, nhiều hộ phải vay mượn để xây nhà.
 
Bà Nguyễn Thị Hằng cho biết: “Chúng tôi được yêu cầu trong vòng 6 tháng phải xây nhà, nếu không sẽ bị thu hồi đất. Thời điểm đó, bà con ai cũng đồng thuận và thấy hợp lý. Cả đời mới có mảnh đất, dù có vay mượn cũng phải xây nhà lấy chỗ ở cho vợ chồng, con cái và cũng để giữ đất”.
 
Tuy nhiên, đến nay, sau 5 năm sinh sống, 22 hộ dân Xuân Lam vẫn chưa được cấp giấy CNQSD đất. Trong khi đó, đến nơi ở mới, bà con chỉ được cấp đất ở, không có đất sản xuất, đời sống đang khó khăn, vất vả. 
 
Năm 2015 chính thức về đây ở, nhưng đến nay năm 2020 vẫn chưa có bìa đất. Không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng nên gia đình tôi phải vay nợ ngoài hết. Đến nay, vẫn còn nợ hơn trăm triệu, tiền lãi mỗi tháng cao quá cũng nóng ruột. Mong các cơ quan cấp trên tạo điều kiện, sớm cấp bìa đất để có tài sản thế chấp. Khi đó, vay ngân hàng chính sách thì mới có ưu đãi của Nhà nước cho dân làm ăn”, bà Hằng nói. 
 
Không bên nào có lỗi, dân “treo” bìa
 
 
Để xây nhà trong 6 tháng mới được giao đất, nhiều hộ dân Xuân Lam phải vay nợ hàng trăm triệu đồng.
 
Dự án tái định cư dân xóm chài xã Xuân Lam do Phòng NN&PTNT huyện Hưng Nguyên, Nghệ An làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết việc cấp giấy CNQSD đất cho các hộ dân tái định cư, không phải trách nhiệm của đơn vị này. Phòng chỉ quản lý về số hộ và chi trả hỗ trợ cho các hộ dân.
 
Theo đó, dự án gồm 56 lô đất chia cho 54 hộ dân. Thời điểm thực hiện di dời, nhu cầu người dân cấp bách, nhưng nguồn kinh phí cho dự án chưa có. Vì vậy, UBND huyện Hưng Nguyên đã hỗ trợ 15 triệu đồng để UBND xã Hưng Lam thực hiện cắm mốc phân lô giao đất cho dân. 
 
Bên cạnh đó, mỗi hộ dân thực hiện di dời cũng được nhận kinh phí hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Năm 2014, có 22 hộ dân xóm chài tái định cư. Gần đây có thêm 3 hộ được giao đất tại vùng quy hoạch của dự án. Hiện, có 12/25 hộ đã được nhận kinh phí hỗ trợ di dời, tái định cư.
 
Còn bà Thái Diệu Hương - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Nguyên thông tin, phòng chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy CNQSD đất cho các hộ dân tái định cư xã Xuân Lam. “Các hộ dân phải đến UBND xã lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền cấp giấy CNQSD đất. Xã có trách nhiệm hướng dẫn cho người dân quy trình làm hồ sơ. Huyện không thể làm thay hoặc tự cấp bìa cho người dân”, bà Thái Diệu Hương cho biết.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Lưu Việt - cán bộ địa chính xã Xuân Lam khẳng định, việc chậm cấp giấy CNQSD đất không phải do lỗi của xã hay người dân. Thời điểm đó, do nhu cầu di dân cấp bách, nên huyện cấp kinh phí cắm mốc, phân lô, chia đất cho các hộ dân chứ không có biên bản hay quyết định giao đất. Vì thế, xã không có căn cứ để hướng dẫn người dân làm hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy CNQSD đất. 
 
“Phản ánh của người dân tái định cư là có thật. Chúng tôi đã tiếp nhận và hiện đang làm tờ trình đề nghị huyện giao đất và ra quyết định giao đất. Sau đó, xã mới có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo để cấp giấy CNQSD đất cho người dân”, ông Việt nói. 
 
Trong lúc chờ xã và huyện thực hiện trách nhiệm của từng bên thì hơn 20 hộ dân tái định cư xã Xuân Lam vẫn đang tiếp tục sống cảnh có nhà nhưng treo bìa đất./.