V-League 2021 gần như chắc chắn sẽ dừng lại sau vòng 12. Điều này có thể giúp một số đội bóng giảm gánh nặng tài chính nhưng hệ lụy với bóng đá Việt Nam là không nhỏ.
Cầu thủ đối diện thất nghiệp, mất phong độ
Chiều 24/8, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã họp trực tuyến với 27 đội bóng (14 đội V-League và 13 đội hạng Nhất) để bàn về số phận của V-League 2021.
Theo đó, cả 27 đội đều đồng ý hủy mùa giải năm nay. Tuy nhiên, việc có trao chức vô địch cho HAGL hay không hay việc có để SLNA xuống hạng hay không chưa được quyết định.
VPF sẽ xin thêm hướng dẫn từ Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) để nghiên cứu rồi trình Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) quyết định.
Trước đó, Ban Chấp hành VFF đã họp và đi đến thống nhất về việc sẽ dừng Các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam năm 2021 gồm: Giải vô địch quốc gia (V-League), Giải hạng Nhất Quốc gia và Cúp Quốc gia. Trong đó, đáng chú ý, V-League phải dừng lại sau 12 vòng đã đấu.
Việc hủy giải đấu năm nay do diễn biến dịch bệnh Covid-19 ngày một phức tạp và phù hợp với nguyện vọng của nhiều đội bóng, tiêu biểu như Hải Phòng, Nam Định hay Becamex Bình Dương. Nhóm CLB này cho biết, nếu giải hoãn tới tháng 2/2022 theo kế hoạch, họ sẽ không thể đảm bảo được kế hoạch tài chính. Cụ thể hơn là không có tiền trả lương cho cầu thủ.
Tuy nhiên, việc V-League 2021 vốn đã đi gần hết giai đoạn 1 bị buộc dừng phần nào cũng để lại nhiều nuối tiếc khi mà 14 đội bóng, rất nhiều tiền của, công sức, tâm huyết của cả nghìn con người đã bỏ ra.
Theo lãnh đạo một CLB, dịch bệnh khiến mọi ngành nghề trong xã hội đều gặp khó khăn, bóng đá không nằm ngoài quy luật. Khi giải đấu dừng lại, CLB sẽ có cơ sở thanh lý hợp đồng, giảm lương với cầu thủ.
Hiện có thông tin cho biết, Nam Định sẽ giảm 50% lương trong khi Hải Phòng giảm tới 70% lương cầu thủ. Như vậy, dừng giải, cầu thủ sẽ chịu thiệt nhiều nhất, bị cắt hợp đồng, giảm lương nhưng tìm bến đỗ mới cũng không được bởi mùa giải 2022 còn rất xa. Không riêng cầu thủ, đội ngũ trọng tài, trợ lý trọng tài cùng nhân sự vận hành giải cũng lâm cảnh thất nghiệp, không có thu nhập.
Quan trọng hơn, giải bóng đá vô địch quốc gia vốn được coi như xương sống của nền bóng đá, mùa giải đứt gánh sẽ ảnh hưởng tới công tác vận hành của bóng đá Việt Nam.
“Lo nhất là cầu thủ trẻ, đang ở độ tuổi phát triển bị hẫng một nhịp như vậy có thể sẽ khó bứt lên. Ngay cả với nhóm tuyển thủ cũng chẳng còn cơ hội thi đấu cọ xát thường xuyên, chỉ tập luyện trên tuyển liệu có đảm bảo yêu cầu về mặt chuyên môn”, bình luận viên Ngô Quang Tùng đánh giá.
Gánh nặng tài chính đè nặng cả CLB lẫn nhà tổ chức
Về khía cạnh tài chính, dừng giải đồng nghĩa với các đội bóng sẽ mất nguồn thu từ bán vé vào sân (trong điều kiện được đón khán giả) và quảng cáo trên sân.
Tuy nhiên, con số này không quá lớn, bù lại đội bóng tiết kiệm được chi phí sinh hoạt, cắt giảm lương, không phải chi thưởng nên về cơ bản sẽ không bị tác động nhiều.
Chúng ta hình dung bóng đá cũng như cơ thể con người, có nhịp sinh học nhưng giờ lại bị mất đi một nhịp thì đương nhiên không thể sống khỏe. Cầu thủ chuyên nghiệp mà không ra sân thì mất hết cảm giác bóng, thể lực giảm sút. Ngoại trừ nhóm tuyển thủ quốc gia được tập luyện và thi đấu theo lịch FIFA, phần còn lại sẽ rất đáng lo. Bình luận viên Ngô Quang Tùng
“Ở Việt Nam, hầu hết CLB sống dựa vào nguồn chính là tiền tài trợ từ doanh nghiệp, của ông bầu hoặc ngân sách, không có gánh nặng tự thu, tự chi nên việc hoãn giải với họ mà nói chẳng có nhiều tác động”, bình luận viên Ngô Quang Tùng nói.
Dù vậy, ông Phan Huy Hoàng, một nhà tiếp thị thể thao cho rằng, câu chuyện tiền bạc của CLB không đơn giản như vậy.
“Ngân sách tỉnh hay tiền doanh nghiệp thì đều không được giải ngân hết từ đầu mùa mà nhận làm nhiều phần. Giờ giải dừng thì đội bóng rất khó xin kinh phí. Không có tiền, đội bóng sẽ khó duy trì hệ thống và trả lương phần nào cho cầu thủ còn hợp đồng. Với các đội bóng hạng dưới thậm chí sẽ đối diện nguy cơ giải tán”.
Theo ông Hoàng, nếu có đội bóng nào thực sự quá khó khăn tài chính thì VFF nên hỗ trợ bằng cách đứng ra bảo lãnh giúp họ có các khoản vay ngân hàng. Sau đó, khi guồng quay trở lại, họ sẽ tìm kiếm nguồn để chi trả.
Ngoài ra, ông Hoàng cho rằng, VPF cũng sẽ gặp khó bởi hợp đồng đã ký với các nhà tài trợ rồi, nếu không đá sẽ không trả được quyền lợi. Đối tác hoàn toàn có lý do để không hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc đòi bồi thường.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Ngọc, Tổng giám đốc VPF cho biết, hiện tại công ty chưa làm việc với nhà tài trợ. “Chắc chắn sẽ có những tổn thất nhất định khi mình không hoàn thành được nghĩa vụ quy định trong hợp đồng. Sau khi hoàn tất các thủ tục kết thúc mùa giải, chúng tôi sẽ ngồi lại đàm phán với các nhà tài trợ để giải quyết vấn đề phát sinh trên tinh thần giảm thiểu tối đa thiệt hại”, ông Ngọc nói.