Thực hiện Công điện khẩn số 27/CĐ- UBND, ngày 28/10/2022 của UBND tỉnh Nghệ An “Về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh Cúm gia cầm”. (CGC)

Nhận định trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh CGC gia tăng là rất cao, do: Tổng đàn gia cầm lớn, nhưng chủ yếu là chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh; Vi rút CGC lưu hành trên đàn vật nuôi và trong môi trường chăn nuôi với tỷ lệ khá cao, trong khi đó nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh; Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội vì vậy hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm tăng cao; Hoạt động giết mổ gia cầm nhỏ lẻ còn phổ biến; Thời tiết cực đoan, thay đổi bất thường làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và gây bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh CGC kịp thời, có hiệu quả; Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; Thủ trưởng các ban, phòng ngành liên quan tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như sau:

1. UBND các xã, thị trấn

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên loa phóng thanh xã, khối, xóm về tính chất nguy hiểm dịch Cúm gia cầm có thể lây sang người. Yêu cầu người chăn nuôi báo cáo kịp thời khi phát hiện gia cầm ốm, chết bất thường: nghiêm cấm việc dấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh; không buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.

- Thường xuyên rà soát, thống kê đàn gia cầm, yêu cầu các chủ trang trại, người chăn nuôi phải tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm đủ 14 ngày tuổi trở lên, đảm bảo tiêm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn; lập biên bản xử phạt hành chính các chủ trang trại không tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Tuyệt đối không hỗ trợ cho các chủ trang trại, người chăn nuôi không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của chính quyền địa phương.

- Phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tăng cường công tác giám sát, phát hiện nhanh các trường hợp gia cầm mắc bệnh để xử lý ổ dịch trong diện hẹp, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm; Nghiêm cấm việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm từ các địa phương có dịch vào địa bàn.

- Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên sát trùng bằng vôi bột, hóa chất. Thực hiện khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi sau lũ lụt, nhất là các vùng chăn nuôi bị ngập lụt nặng do ảnh hưởng của đợt bão sổ 4 vừa qua theo kế hoạch số 455/KH-UBND, ngày 01/11/2022 của UBND huyện.

2. Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp:

- Chủ trì phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn huyện.

3. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp:

+ Phân công cán bộ trực tiếp bám sát cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo tham mưu các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm. Chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi biết, phối hợp và thực hiện.

+ Tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh; kiểm soát, kiểm tra các tụ điểm kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia cầm; ngăn chặn  việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm từ vùng dịch, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, xuất phát tại các địa phương xảy ra dịch vào địa bàn huyện. Phối hợp với các lực lượng chức năng liên ngành để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

+ Đối với các ổ dịch nghi ngờ dịch cần tiến hành lấy mẫu kịp thời gửi xét nghiệm xác định bệnh. Nhằm phát hiện vi rút cúm gia cầm trên gia cầm để phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời.

+ Tổng hợp, báo cáo tình hình dịch bệnh về UBND huyện, Chi cục Chăn nuôi & Thú y Nghệ An để kịp thời bổ cứu các biện pháp phòng chống dịch

4. Phòng Kinh tế – hạ tầng:

Chủ trì phối hợp với các phòng, ban, ngành liên quan, UBND xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập vào địa bàn huyện trái phép. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

5. Phòng y tế:

Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, chính quyền địa phương trong việc giám sát dịch cúm trên gia cầm, trên người để kịp thời xử lý triệt để, có hiệu quả.

6. Trung tâm văn hóa thể thao và truyền thông

- Thông tin kịp thời, chính xác cho người dân và diễn biến tình hình dịch cúm gia cầm.

- Phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm Y tế dự phòng tăng cường thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm; các biện pháp phòng, chống cúm A/H5N1, H5N6 trên người, gia cầm để nhân dân biết và tự giác thực hiện.

7. Công an huyện:

Chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, theo dõi nắm tình hình và có biện pháp giáo dục, răn đe các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu; gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm.

8. Phòng Tài chính:

Chủ động bố trí nguồn kinh phí để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch kịp thời, đúng quy định hiện hành.

9. Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia cầm:

- Chấp hành nghiêm việc đăng ký mua vắc xin, tổ chức tiêm phòng vắc xin bắt buộc cho đàn gia cầm (Đặc biệt là các hộ chăn nuôi  trang trại, gia trại).

- Các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm phải thực hiện nghiêm các quy định về công tác chăn nuôi, thú y, phải đăng ký với chính quyền địa phương sở tại khi chăn nuôi; có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y; khai báo tình hình chăn nuôi, báo cáo lịch tiêm phòng các loại vắc xin, tình hình dịch bệnh và các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y với cơ quan thú y để kiểm tra và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định hiện hành.

Những tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định về tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm; làm phát sinh dịch bệnh sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và không được hưởng các chế độ hỗ trợ của nhà nước theo quy định hiện hành.

Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; Thủ trưởng các phòng, ban, ngành liên quan cấp huyện khẩn trương thực hiện nghiêm công điện này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, khó khăn các đơn vị báo cáo về phòng Nông nghiệp & PTNT để tổng hợp, trình UBND huyện giải quyết kịp thời./.