Trong khoảng 1 tháng qua, hơn 14 nghìn nhân viên y tế đến từ khắp mọi miền Tổ quốc hăng hái lên đường vào các tỉnh thành phía Nam hỗ trợ chống dịch.
Dù các chuyến đi chưa hẹn này về, nhưng tất cả vẫn sẵn sàng với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh và nỗ lực điều trị cho các bệnh nhân Covid-19…
Vừa hết cách ly lại xung phong ra tuyến đầu
Đợt dịch lần thứ 4 là đợt dịch có diễn biến phức tạp nhất tính đến nay với số ca mắc và tử vong cao kỷ lục. Mặc dù biết đây là chuyến đi dài, đối mặt với nhiều hiểm nguy nhưng hàng nghìn “chiến sĩ” áo trắng vẫn không hề nao núng.
Ngay sau khi bệnh viện có lời kêu gọi nhân viên y tế tham gia chống dịch ở các tỉnh thành phía Nam, BSCKII Đào Trọng Thành cùng nhiều anh em xung phong mà không chút đắn đo.
Khi đó, BS. Thành cùng nhiều đồng nghiệp ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cũng vừa hoàn thành đợt cách ly sau khi trở về từ “điểm nóng” Bắc Giang không lâu.
“Tôi không ngại khó khăn mặc dù biết rằng đây sẽ là một chuyến đi trường kỳ nhưng khi bệnh viện có lời kêu gọi, tôi tiếp tục xung phong lên đường tiếp sức cho đồng nghiệp và hỗ trợ người dân miền Nam chống dịch”, BS. Thành chia sẻ.
Hiện nay, BS. Thành cùng các đồng nghiệp đang chi viện chống dịch tại “điểm nóng” Tiền Giang. Tại đây, các anh vừa tham gia trực tiếp công tác điều trị, vừa đào tạo chuyên môn cho các nhân viên y tế địa phương.
“Nhân lực tại địa phương mỏng, đặc biệt số lượng bác sĩ hồi sức và điều dưỡng còn ít, bên cạnh đó Trung tâm Hồi sức mới được thành lập, sự đồng bộ phối hợp giữa các khâu chưa được nhuần nhuyễn nên còn nhiều khó khăn”, BS. Thành cho hay.
Cùng chiến tuyến với BS. Thành còn có BS. Lê Quang Phương, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, người cũng đã hai lần xung phong vào tâm dịch. Số lượng bệnh nhân tăng nhanh, nhiều ca bệnh diễn biến nặng gây áp lực lớn lên hệ thống điều trị.
Theo BS. Phương, việc điều trị bệnh nhân Covid-19 có thể nói là khó khăn chồng chất khó khăn và không thể nói trước được điều gì. Những người thầy thuốc chỉ có thể nỗ lực hết mình để bệnh nhân nhanh khỏi bệnh. Nếu có nhiều bệnh nhân khỏi bệnh, nghĩa là cũng sắp hết dịch và nhân viên y tế cũng sớm được về đoàn tụ cùng gia đình
Đồng hành cùng các bác sĩ trong đoàn chi viện, điều dưỡng Phạm Quốc Huy, Khoa Hồi sức tâm sự: “Ở đây, các ca bệnh đều phải thở máy, các công việc hàng ngày như vệ sinh cá nhân, ăn uống, liên lạc với người nhà... đều do nhân viên y tế đảm nhiệm. Dù vất vả nhưng đây cũng là một trải nghiệm đáng nhớ đối với tôi”.
Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, khi có lời kêu gọi của Bộ Y tế và bệnh viện, BS. Vũ Huy Hiền, cán bộ y tế của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) không ngần ngại đăng ký tăng cường vào Bình Dương hỗ trợ chống dịch dù biết khi vào tâm dịch sẽ vất vả, thậm chí nguy cơ lây nhiễm chéo hiện hữu.
Tại Bình Dương, BS. Hiền tham gia điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 do các chuyên gia đến từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phụ trách. Các bệnh nhân đều chủ yếu cần can thiệp thở máy, ôxy.
“Ở đây, một ngày mặc đồ bảo hộ 8 tiếng, tiếp xúc xử trí với những ca bệnh nặng vô cùng căng thẳng. Dù vậy, chúng tôi chỉ mong sao các bệnh nhân có thể khỏe mạnh ra viện. Đó là niềm vui của bất cứ y bác sĩ nào lúc này”, BS. Hiền chia sẻ.
Hơn 14 nghìn nhân viên y tế đã lên đường
Tính tới hiện tại, Bộ Y tế cho biết, đã có hơn 14.000 cán bộ, nhân viên y tế được huy động hỗ trợ chống dịch tại miền Nam từ ngày 1/7 - 21/8. Trong đó có hàng nghìn người đã đến TP.HCM và các tỉnh phía Nam, ngày đêm túc trực tại các bệnh viện dã chiến, hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 từ nhẹ đến nặng.
Ngoài hỗ trợ về nhân lực, nhiều bệnh viện còn mang theo cả trang thiết bị vượt hàng nghìn km chi viện cho tuyến đầu. Những trang thiết bị này được ví như “vũ khí” của ngành y, giúp các y bác sĩ chiến đấu, giành giật lại sự sống cho bệnh nhân.
Riêng khối các bệnh viện Trung ương có 27 bệnh viện huy động 2.731 y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tới TP.HCM và các tỉnh lân cận. Các bệnh viện Trung ương thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực gồm 10 bệnh viện tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long. Khối các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế gồm 8 bệnh viện huy động 815 người hỗ trợ.
Ngoài lực lượng y, bác sĩ tại các bệnh viện, không thể không kể đến hàng nghìn sinh viên thuộc khối các trường y, dược.
Mới đây, chỉ sau 12 giờ phát động lời kêu gọi, khoảng 1.500 thầy cô và sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai tình nguyện vào hỗ trợ TP.HCM, tham gia lấy mẫu làm xét nghiệm, rà soát F0 để tách khỏi cộng đồng…
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, ngoài lực lượng đã tham gia chi viện, sẽ có khoảng 1.800 cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của một số trường khối ngành y, dược đăng ký tình nguyện vào miền Nam hỗ trợ chống dịch.
Cụ thể, trường Đại học Y Hà Nội cử thêm 250 người; trường Đại học Dược Hà Nội sẽ cử 200 người; Học viện Y Dược học cổ truyền cử 150 người; trường Đại học Y Dược Thái Bình cử thêm 250 người; Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cử 200 người…
Bên cạnh đó, 8 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã lên danh sách cử 450 - 500 chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… vào TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai để đồng hành cùng các đồng nghiệp chống dịch.
Tỷ lệ ca nhiễm của Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia, vùng lãnh thổ
Kể từ đầu dịch đến chiều tối 24/8, Việt Nam có 369.267 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.756 ca nhiễm).
Tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 - 24/8/2021): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 365.152 ca, trong đó có 159.501 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.