Theo nghiên cứu vừa đăng tải trên tạp chí y học Lancet, mặc dù các rối loạn tâm thần là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng về sức khỏe toàn cầu trước cả khi đại dịch bùng phát, nhưng sự lây lan của virus corona chủng mới cùng các biện pháp phong tỏa, hạn chế tiếp sau đó để chống lại mầm bệnh nguy hiểm này đã làm vấn đề thêm trầm trọng.
Các nhà nghiên cứu thống kê, trong năm 2020, thế giới có thêm 76,2 triệu ca rối loạn lo âu và 53,2 triệu ca rối loạn trầm cảm, tương đương mức tăng 27,6% so với năm trước đó.
Để đo lường tác động của đại dịch đối với bất kỳ khu vực cụ thể nào, nhóm nghiên cứu đã phân tích tỷ lệ mắc virus hàng ngày, các hạn chế về việc đi lại của mọi người và tỷ lệ tử vong vượt mức hàng ngày. Kết quả là, những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất xét về 2 tiêu chí đầu tiên tương ứng với những khu vực tăng vọt tỷ lệ mắc chứng rối loạn trầm cảm và lo âu. Song, không có sự tương đồng nào được ghi nhận, xét về tiêu chí thứ 3.
Do đó, nghiên cứu kết luận, sự gia tăng ca mắc Covid-19 và giảm khả năng di chuyển có "liên quan đáng kể" đến tình hình sức khỏe tâm thần xấu đi.
Nhóm nghiên cứu cũng khám phá ra rằng, phụ nữ bị ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe tâm thần nhiều hơn đàn ông trong đại dịch. Những người trẻ tuổi chịu tác động lớn hơn nhóm lớn tuổi hơn, vì họ bị thiếu tương tác bạn bè đồng trang lứa sau khi các trường học phải đóng cửa và nhà chức trách cho triển khai các hạn chế xã hội khác. Ngoài ra, những người trẻ tuổi cũng nhiều khả năng bị thất nghiệp trong và sau khủng hoảng kinh tế hơn so với những người lớn tuổi hơn.
Nhóm nghiên cứu cảnh báo, các rối loạn sức khỏe tâm thần sẽ làm gia tăng nguy cơ về các chứng bệnh khác và tình trạng tự tử. Họ kêu gọi các chính phủ trên khắp thế giới nên tăng cường các hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân./ .