Cũng theo báo cáo của Johns Hopkins, riêng nước Mỹ chiếm 15% số ca thiệt mạng vì dịch trên toàn thế giới. Nước này hiện có khoảng 750.000 người chết vì dịch. Xếp sau là Brazil, Ấn Độ với hơn 610.000 và 460.000 ca tử vong.

Thống kê tính tới 8/7/2021 cho thấy 4 triệu người trên thế giới tử vong sau khi mắc COVID-19. Như vậy, trong hơn 4 tháng, đã có thêm khoảng 1 triệu người chết vì dịch.

1-10520523-1636701203.png
Hơn 5 triệu người trên thế giới chết vì COVID-19. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng con số thực tế cao hơn số liệu thống kê rất nhiều.

"Rất có thể số người chết cao gấp đôi những gì chúng ta thấy. Nhưng 5 triệu là một con số đáng sợ. Không một quốc gia nào có thể thoát khỏi nó", một giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins cho hay.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới sáng 12/11, có hơn 252,61 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới với 494.223 trường hợp được ghi nhận trong 24 giờ qua.

Số bệnh nhân hồi phục hiện là hơn 228 triệu người.

Vài tháng trước, dịch bệnh có dấu hiệu hạ nhiệt khi các nước đẩy mạnh tiêm chủng. Nhưng virus đã lây lan mạnh sau khi một loạt nước dỡ các biện pháp phong tỏa phòng dịch.

Châu Âu hiện là "điểm nóng" của dịch COVID-19. Châu lục này ghi nhận gần 67% tổng số ca mắc mới trên thế giới trong 24 giờ qua.

Đức hôm 11/11 báo cáo kỷ lục hơn 50.000 ca bệnh/ngày trong khi Nga nhiều ngày qua thường xuyên ghi nhận hơn 1.000 người chết chỉ trong 24 giờ.

Tại châu Á, Trung Quốc vẫn đang vật lộn đối phó với đợt bùng phát đang hoành hành ở hơn 40 tỉnh, thành phố. Quốc gia tỷ dân cũng là nước duy nhất trên thế giới vẫn theo đuổi chiến dịch "Không COVID-19"./.